Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ hôm 16/3 tổ chức đại hội cổ đông thường niên với kế hoạch lãi hơn 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và đặt ra mục tiêu tăng trưởng mạnh và kỳ vọng lợi nhuận tỷ USD trong 5 năm tới.

Mốc lợi nhuận tỷ USD trước đây là điều khá xa vời với các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, sự bứt phá về quy mô và  dịch vụ của các ngân hàng và một số DN trong lĩnh vực bất động sản, thép… đã giúp nhiều DN ghi dấu ấn lợi nhuận tỷ USD trong 2-3 năm qua.

Trong năm khó khăn 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận 5 doanh nghiệp đạt mốc lợi nhuận tỷ USD, trong đó có 3 gương mặt mới gồm Techcombank (1 tỷ USD), VPBank (38 nghìn tỷ đồng), Hòa Phát (1,5 tỷ USD).

Vinhomes và Vietcombank đã ghi nhận lợi nhuận tỷ USD trong 2-3 năm qua. Trong 2021, Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm trước đó lên gần 48,5 nghìn tỷ đồng (2,1 tỷ USD).

Ngân hàng MBBank (MBB) có tham vọng lợi nhuận gấp 3 lần hiện tại lên 45 nghìn tỷ đồng vào năm 2026. Hiện MBBank có 13 triệu khách hàng, trong đó 11 triệu khách hàng dùng nền tảng số.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp Việt ghi dấu ấn lợi nhuận tỷ USD.

Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) lên kế hoạch lãi trước thuế tăng 25% lên hơn 15 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng như này, chỉ vài năm ACB cũng sẽ lọt câu lạc bộ lợi nhuận tỷ USD.

Trong khi Vinhomes bứt phá nhờ thị trường bất động sản và Tập đoàn Hòa Phát mở rộng và thêm thống trị thị trường thép thì nhóm các ngân hàng hưởng lợi từ một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu vốn cũng như dịch vụ liên quan đến ngân hàng phát triển mạnh.

Việc giá cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2021 cũng giúp các ngân hàng dễ dàng trong việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh. Sự thay đổi cơ cấu cổ đông cũng giúp không ít nhà băng tăng trưởng mạnh. Cổ phiếu KienLongBank tăng khoảng 2,6 lần trong vòng một năm và tăng gần 40% trong 4 phiên vừa qua. 

{keywords}
Chứng khoán Việt hồi phục trở lại.

Gần đây, ngành ngân hàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khi mà áp lực lạm phát tăng trên toàn thế giới. Các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động trong khi lãi suất cho vay chưa thể tăng do tình hình sản xuất của các doanh nghiệp chưa phục hồi. Tuy nhiên, theo VDSC, nhóm ngân hàng vẫn hấp dẫn trong trung và dài hạn.

Theo VDSC, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ không có tác động đáng kể đến ngành ngân hàng Việt Nam, nhờ vào dòng vốn USD tốt. Câu chuyện tăng trưởng của nhóm ngân hàng sẽ dần rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2022

Có khả năng biến động mạnh

Theo SHS, phiên giao dịch ngày 17/3 là phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 3/2022 trên thị trường phái sinh nên những biến động mạnh có thể sẽ diễn ra, nhất là vào thời điểm cuối phiên.

Tuy nhiên, nếu không có những bất ngờ về cuối phiên thì SHS vẫn nghiêng về khả năng VN-Index có thể tiếp tục đà hồi phục hiện tại để thu hẹp dần khoảng cách với kháng cự 1.470 điểm.

Còn theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.470 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật ngắn hạn, nhưng dòng tiền ngắn hạn vẫn suy yếu cho thấy thị trường chưa thể xác lập xu hướng tăng rõ ràng trong ngắn hạn. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn đang có sự phân hóa, điều này thường diễn ra vào các thời điểm cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF.

Chốt phiên giao dịch 16/3, chỉ số VN-Index tăng 6,59 điểm lên 1.459,33 điểm. HNX-Index tăng 2,66 điểm lên 446,18 điểm. Upcom-Index tăng 0,48 điểm lên 116,04 điểm. Thanh khoản đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 18,7 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Cổ phiếu ba ngày tăng mạnh liên tiếp, nữ chủ tịch trẻ ghi dấu ấn hiếm có

Cổ phiếu ba ngày tăng mạnh liên tiếp, nữ chủ tịch trẻ ghi dấu ấn hiếm có

Cổ phiếu KienLongBank tăng dữ dội, đi ngược xu hướng chung trên thị trường. Sau một năm, cổ phiếu này tăng khoảng 2,6 lần cùng với sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo mới, trong đó có nữ chủ tịch trẻ nhất ngành ngân hàng.