Vào năm thứ nhất đại học (2018), Yu Benqin khá bệ rạc. Anh chơi điện tử đến tận 3, 4 giờ sáng mỗi ngày và hầu như lúc nào cũng đến lớp muộn.
Bực bội với bản thân, Yu, khi đó là sinh viên tại Đại học Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), đã tìm cách thúc đẩy bản thân. Khi không hiệu quả, Yu đã đưa ra một giải pháp là anh và những người bạn cùng phòng sẽ giúp nhau.
Họ đồng ý dậy vào cùng một giờ mỗi sáng và nếu một người không làm, những người khác sẽ lôi bạn ra khỏi giường. Sự sắp xếp đã giúp Yu thức dậy đúng giờ, nhưng anh ấy vẫn còn lơ đễnh ở những khía cạnh khác.
Sau đó, khi đang tìm kiếm những cuốn sách về kỷ luật bản thân trên Taobao, Yu đã bắt gặp dịch vụ “người giám sát”. Đó là người mà bạn phải trả tiền để họ thúc giục, nhắc nhở bạn hoàn thành các việc cần làm.
Biết dịch vụ này có nhu cầu cao, Yu nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Vào tháng 3/2018, Yu đã mở cửa hàng trực tuyến trên Taobao, tuyển dụng hàng chục bạn cùng trường và thành lập đội giám sát đầu tiên. Họ có một mục đích là thúc đẩy mọi người hoàn thành công việc.
Bạn luôn có những việc lặt vặt như phải thức dậy đúng giờ, dắt chó đi dạo, đón con đi học về, hay thậm chí là chuẩn bị cho các kỳ thi… Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch buộc nhiều người phải làm việc ở nhà hơn, nhu cầu về giám sát viên càng tăng lên.
Khách hàng có thể là trẻ 5, 6 tuổi, thậm chí người 50 tuổi trở lên trong khi những người giám sát là sinh viên đại học hoặc sinh viên mới tốt nghiệp, chỉ cần kiếm thêm tiền.
Yu, 21 tuổi, chỉ mất 2 năm để kiếm được doanh thu hàng tháng hơn 100 nghìn nhân dân tệ (hơn 354 triệu đồng). Sau cửa hàng dịch vụ giám sát đầu tiên trên Taobao, anh mở thêm hai cửa hàng, mỗi cửa hàng đều có nhân viên riêng.
Cửa hàng thứ 3 của anh ra mắt đúng vào thời điểm đại dịch bắt đầu vào năm ngoái, điều này chỉ giúp tăng doanh số bán hàng. Các cửa hàng của Yu được xếp hạng trong số 5 dịch vụ giám sát hàng đầu trên Taobao, chỉ riêng một cửa hàng đã mang về hơn 4.000 nhân dân tệ (hơn 14 triệu đồng)/ngày.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Yu tuyển dụng hơn 1.000 giám sát viên, với khoảng 400 người nộp đơn xin việc mỗi ngày, với mức lương khoảng 100-150 nhân dân tệ (350-530 nghìn đồng)/tháng cho mỗi khách hàng mà họ hỗ trợ.
Yu cung cấp hai cấp độ dịch vụ cho khách hàng là thông thường và chuyên sâu. Những người sử dụng dịch vụ thông thường tự báo cáo tiến độ của họ và người giám sát chỉ kiểm tra 3 lần/ngày (buổi trưa, buổi tối và trước khi đi ngủ).
Nhưng những người trả tiền cho dịch vụ chuyên sâu sẽ nhận được lời nhắc trước và sau mỗi nhiệm vụ, kết quả được kiểm tra qua ảnh hoặc video và họ nói chuyện với người giám sát hàng đêm.
Sau khi so sánh giá với các cửa hàng khác, Yu quyết định tính phí 133 nhân dân tệ (gần 470 nghìn đồng)/tháng cho dịch vụ giám sát thông thường và 400 nhân dân tệ (hơn 1,4 triệu đồng)/tháng cho dịch vụ chuyên sâu.
Zhu Hecun (21 tuổi) mở cửa hàng trước Yu 3 năm. Đến từ tỉnh Hà Nam, Zhu thành lập một cửa hàng bán tấm bảo vệ màn hình điện thoại khi mới 12 tuổi. Sau đó, anh theo học ngành thương mại điện tử tại một trường dạy nghề trong 5 năm sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Zhu Hecun. |
Ở tuổi 15, Zhu nghe một người phụ nữ kể chuyện chị gái của cô đã trả tiền cho một người giám sát và đề nghị anh cũng nên thử.
Đó là vào năm 2015, khi chỉ có khoảng một chục cửa hàng cung cấp dịch vụ giám sát. Trong 2, 3 năm đầu tiên, không có nhiều người tham gia. Zhu tự mình giám sát tất cả các khách hàng, làm việc suốt cả ngày, hầu như không có thời gian để ăn.
Tuy nhiên, cửa hàng của Zhu đã tăng nhanh chóng doanh số bán hàng sau khi nó được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông vào năm 2018. Số lượng đơn đặt hàng hàng tuần của anh đã tăng gấp 5, 6 lần. Không thể một mình đảm đương mọi công việc, anh bắt đầu tuyển một số công nhân bán thời gian. Hiện, nhóm người giám sát bán thời gian của anh có khoảng 100 thành viên.
Zhu nói rằng phần lớn các giám sát viên là phụ nữ. “Nếu 100 người nộp đơn, 98 người sẽ là phụ nữ, và hai người còn lại sẽ không ở lại lâu” anh nói. Theo anh, hầu hết đàn ông không giỏi khuyến khích, động viên như phụ nữ.
Anh cho biết, nhiều giám sát viên làm việc cho anh đều tò mò về công việc hoặc chỉ thích giúp đỡ người khác. Thậm chí, không ít người thuê đều khá giả. Ví dụ, một người có 5 bất động sản ở Thượng Hải và một số khác thậm chí còn đi du học ở nước ngoài.
Songsong, sinh viên năm nhất ĐH ở Thành Đô, làm việc bán thời gian cho Zhu. Cô đã giám sát khoảng 100 người trong vòng chưa đầy 3 tháng và có thể giám sát tối đa 45 người mỗi ngày.
Nhưng đôi khi người giám sát cũng gặp khó khăn. Người giám sát càng có nhiều khách hàng sẽ không thể tránh khỏi việc nhiều khách hàng cần được nhắc nhở cùng một lúc.
Trong một lần, Songsong kể, một khách hàng khó tính đã ngủ quên và không đón con từ trường vì lời nhắc của Songsong đến quá muộn. Ngay sau đó, khách hàng đã hủy bỏ hợp đồng với cô.
Ngoài ra, việc trả tiền cho một giám sát viên có thể khiến người thuê trở nên dựa dẫm, ỷ lại thay vì tự giác hoàn thành nhiệm vụ cá nhân. Thậm chí, có khách hàng chỉ thuê giám sát viên vì tò mò và cắt liên lạc ngay sau đó.
Hiện, Songsong kiếm được khoảng 2.000-3.000 nhân dân tệ (7 -10,5 triệu đồng)/tháng từ việc làm giám sát viên bán thời gian.
Songsong nói: "Tôi kiếm tiền bằng nỗ lực giúp đỡ người khác".
Ngọc Trang (Theo Sixthtone)
Việc nhàn lương cao: Ngồi ăn kẹo kiếm 1 triệu đồng/giờ
Một công ty bánh kẹo ở Canada đang đăng tuyển các chuyên gia thử kẹo toàn thời gian và bán thời gian.