- Phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của QH. Nếu có thì đó là chuyện tày trời - Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc phản ứng trước thông tin bà Châu Thị Thu Nga khai chi 1,5 triệu USD lo thủ tục ứng cử ĐBQH khóa 13.

Trong kết luận điều tra vừa được cơ quan công an công bố liên quan đến các sai phạm của ĐBQH đã bị bãi nhiệm Châu Thị Thu Nga có chi tiết bà Nga khai đã chi khoảng 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỉ đồng) cho một DN về vàng bạc ở Hà Nội để nhờ lo các thủ tục ứng cử ĐBQH khóa 13.

Trả lời báo chí bên lề hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết chưa nhận được thông tin này.

"Việc này chưa kiểm chứng, nhưng tôi nghĩ rằng đây có thể chỉ là cách để lý giải số tiền ấy đã đi đâu, họ tiêu cá nhân cái nọ cái kia rồi thì biết làm sao được. Cơ quan điều tra đang làm, chưa có thông tin", ông Hạnh Phúc nói.

"Nếu có thông tin thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của QH. Làm rõ đưa ai, bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời. Một khoản tiền lớn thế vào QH làm gì, giải quyết vấn đề gì".

{keywords}

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Phạm Hải

Cho biết từ trước đến nay chưa từng có thông tin 'chạy tiền vào QH', Tổng thư ký QH nói ông không tin có chuyện này, nhất là với một khoản tiền lớn như thế.

"30 tỷ đồng là rất nhiều, rải đi đâu hết chỗ này, trong khi nếu chạy thì chỉ có mấy chỗ. Là người ứng cử tự do thì MTTQ của Hà Nội giới thiệu để vào, sau 3 vòng hiệp thương, rồi đến cơ quan Thường vụ QH", ông Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn.

Từ câu chuyện của bà Châu Thị Thu Nga, gần đây là ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, khiến cử tri rất băn khoăn, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh lại trong hiệp thương lựa chọn người ứng cử, yêu cầu quan trọng là trung thực.

"Qua những vụ việc này, tới đây phải làm tốt công tác thẩm tra, đó là bài học về công tác quản lý công tác hiệp thương, thẩm tra, quản ký hồ sơ lý lịch của ĐBQH", ông Phúc nói.

Xung quanh dư luận về động cơ của các doanh nhân khi ứng cử vào QH, Tổng thư ký QH khẳng định: Suy nghĩ rằng ngồi vào QH thì có quyền quyết định thế nọ thế kia là một sự nhầm tưởng.

"Để làm gì, mác ĐBQH để làm gì, vì pháp luật không loại trừ ai, ai vi phạm cũng đều bị xử lý. Đeo mác ĐBQH nhưng vi phạm pháp luật thì cũng vẫn bị xử lý", ông  Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tổng thư ký QH khẳng định lại: Nếu phát hiện sai phạm của ĐBQH sẽ kiên quyết xử lý, "chúng tôi không vì sợ mất uy tín mà không xử lý".

C.Hoàng ghi