ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể, nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim, phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.
Sốt cao 2 ngày, mệt mỏi, khó thở tăng dần, nam thanh niên 19 tuổi, là chiến sĩ bộ đội biên phòng ở Mèo Vạc, Hà Giang, được bệnh xá đồn biên phòng điều trị chẩn đoán nhiễm virus cấp.
Đến ngày thứ 3, anh đau ngực nhiều, khó thở, huyết áp xu hướng tụt 90/40mmHg, co giật. Làm điện tim tại y tế cơ sở phát hiện rối loạn nhịp tim phức tạp, quân y Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang lập tức liên hệ với Tiến sĩ Đặng Việt Đức, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), được tư vấn chuyển gấp. Đó là bởi khả năng bệnh nhân mắc bệnh viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao.
23h đêm cùng ngày, toàn bộ hệ thống cấp cứu hồi sức tim mạch được kích hoạt, báo cáo hệ thống trực cấp cứu trong Bệnh viện 108, các bác sĩ và điều dưỡng được huy động tối đa vào đơn vị ngay trong đêm, chuẩn bị sẵn sàng cho can thiệp ECMO.
5 giờ sáng 28/8, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện 108, sau 15 giờ vừa vận chuyển vừa cấp cứu trên đường bộ.
"Bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp có biến chứng rối loạn nhịp phức tạp, bắt đầu có rối loạn huyết động, có lúc không đo được mạch", Thạc sĩ Nguyễn Thành Huy, Khoa Hồi sức tim mạch, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, chia sẻ.
Chỉ định đặt ECMO thức tỉnh thực hiện ngay tại phòng can thiệp được đưa ra, sau 1 giờ bệnh nhân đến viện. Theo bác sĩ Huy, các chỉ số của bệnh nhân dần ổn định sau can thiệp ECMO thức tỉnh an toàn với hệ thống Cardiohelp (máy tim phổi nhân tạo) hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Tính nhân văn của phương pháp mới
Trao đổi với VietNamNet sáng 12/9, Tiến sĩ Đức cho hay ECMO thức tỉnh áp dụng cho bệnh nhân phổi được quốc tế báo cáo đầu tiên từ hơn 10 năm trước ở 5 bệnh nhân ghép phổi. Ở Việt Nam, Bệnh viện 108 là đơn vị tiên phong áp dụng kỹ thuật này, được coi là "đặc sản" của chuyên ngành Hồi sức tim mạch 108. Ca bệnh đầu tiên được áp dụng vào tháng 10/2022, đến nay đã triển khai trên 12 bệnh nhân tim mạch, hiệu quả rất tích cực, 100% bệnh nhân đều bỏ được ECMO.
Tiến sĩ Đặng Việt Đức cho biết trước đây ECMO thường được sử dụng khi bệnh nhân đã rất nặng (phải dùng an thần, thở máy) nhưng không kiểm soát được ý thức hay các yếu tố xoay quanh vấn đề an thần của người bệnh. Hiện nay, ECMO thức tỉnh dùng khi bệnh nhân còn tự thở. Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong lúc can thiệp phẫu thuật, có thể nói chuyện cùng bác sĩ và thông báo với bác sĩ những thay đổi của cơ thể mình để kịp thời xử trí.
"Máy ECMO lúc này chỉ thực hiện đúng chức năng của quả tim, còn bệnh nhân vẫn tự thở bình thường, tỉnh táo, tương tác với gia đình và nhân viên y tế", bác sĩ Đức cho biết. Ông cũng đánh giá cao tính nhân văn của kỹ thuật này bởi những ưu điểm của việc tự thở và tỉnh táo được phát huy, trong khi giảm tỷ lệ các biến chứng và tử vong.
Với bệnh nhân 19 tuổi trên đây, ngày thứ 2 sau đặt ECMO thức tỉnh, anh kêu đau chân, các bác sĩ phát hiện sớm được biến chứng huyết khối gây tắc cấp tính động mạch khoeo chân trái. Đây là biến chứng hay gặp (30-40%) ở bệnh nhân ECMO.
Nếu bệnh nhân an thần, ngủ thì sẽ không thấy đau, thầy thuốc cũng khó phát hiện, trong khi biến chứng này nếu phát hiện muộn chỉ khoảng 3 giờ, bệnh nhân có nguy cơ cắt cụt chân.
Sau khi thầy thuốc lấy huyết khối thành công, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện từng ngày, các rối loạn nhịp được kiểm soát, huyết áp trở về bình thường. ECMO được rút sau 3 ngày can thiệp. Bệnh nhân tiếp tục phục hồi chức năng, chờ ngày ra viện.
Theo các bác sĩ, tối ưu hóa các trang thiết bị hiện có của chuyên ngành hồi sức là bước tiến lớn của phương pháp ECMO thức tỉnh so với truyền thống; cùng đó, lựa chọn bệnh nhân, thời điểm thực hiện cần cá thể hóa và tiên đoán nguy cơ sâu sát... Trong tương lai, kỹ thuật ECMO thức tỉnh được kỳ vọng đem lại hiệu quả cao, là động lực mới phù hợp với xu thế y học hiện đại.
Theo một số nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân lên đến 80% khi sử dụng ECMO thức tỉnh, so với ECMO bình thường (khoảng 50-60%).