Ảnh: Đ.N |
ICTnews - Chặng đường để đi đến những sản phẩm game “made in Vietnam” chắc chắn còn phải làm rất nhiều việc.
Mới đây, Công ty VinaGame và báo Sài Gòn Doanh Nhân đã tổng kết và trao giải cuộc thi “Giải pháp cho những chuyến buôn dài”. Giải nhất đã thuộc về anh Võ Văn Tấn ở thị trấn Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận với bài dự thi về nghề buôn phân chuồng. Cuộc thi được phát động từ tháng 5/2007 và đã thành công tuy rằng số lượng người tham gia chưa thật nhiều.
Cuộc thi này không diễn ra một cách ồn ào nhưng điều mà không ít người đã nhìn thấy rằng đó là một cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam để tìm kiếm kịch bản cho việc sản xuất game Việt. Hẳn rằng khác với các kịch bản sân khấu và phim truyện, kịch bản game có đặc thù riêng là trong một bối cảnh sẽ nảy sinh rất nhiều tình huống khác nhau. Vì thế, người thiết kế kịch bản game phải luôn đưa ra được nhiều phương án cho một nhân vật trong game để có thể lựa chọn phương hướng cần thiết cho mình. Tiếp tục cuộc hành trình, lại có nhiều phương án có thể lựa chọn tiếp và cứ tiếp tục lộ trình đó để tìm đến cái đích cuối cùng của cuộc chơi.
Nhân cuộc thi này, cũng cần phải nhắc lại rằng sự thành công của các game thì yếu tố kịch bản và lập trình chỉ chiếm có 40% còn đồ họa thì lại chiếm đến 50%. Đó chính là lý do khiến cuộc thi VietGames 2006 do Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) tổ chức chỉ đạt được kết quả khá hạn chế. Nguyên nhân vì cuộc thi lần đầu đó mới chỉ có sự tham gia của các lập trình viên và bản thân họ đâu phải là chuyên gia về đồ hoạ để có thể tạo hình các nhân vật và bối cảnh một cách bài bản và đầy đủ. Thêm nữa là tại sao Ban tổ chức không đặt ra một lộ trình rõ ràng hơn để trước hết là thi kịch bản game rồi tiếp đó mới là sản phẩm thực.
Xây dựng game không đơn giản là thế và khi có những ý kiến bày tỏ sự tham vọng về tương lai phát triển game Việt qua những thành công của các game online nhập ngoại thì TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM đã chỉ ra rằng, kinh doanh game và sản xuất game là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chặng đường để đi đến những sản phẩm game “made in Vietnam” chắc chắn còn phải làm rất nhiều việc. Và rõ ràng là trước khi có những cuộc thi về sản phẩm game Việt thì việc tổ chức các cuộc thi làm kịch bản game, tạo hình nhân vật và bối cảnh game là hết sức cần thiết. Điều đó cũng gần giống như với điện ảnh là người ta phải tuyển chọn kịch bản, đạo diễn, diễn viên, làm đạo cụ, hoá trang… rồi mới có thể khởi quay, thực hiện hậu kỳ… để cuối cùng là một bộ phim hoàn chỉnh phát hành đến công chúng.
Trịnh Nguyễn
- Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 68