Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh đến ngành nông nghiệp Việt Nam, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lớn, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn và nhiệt độ nước biển tăng cao.
Sự tăng trưởng không ổn định và các yếu tố môi trường bất lợi khiến nhà nông gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất.
Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ mặn đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng. Dịch bệnh không chỉ làm giảm sản lượng mà còn làm tăng chi phí chăm sóc và điều trị, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn, từ đó tác động lên cung - cầu nông sản.
Ở phía nam, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sớm và sâu vào nội địa đã làm tăng độ mặn trong nước, gây tổn thương cho các loài thủy sản không thích nghi với môi trường mặn, gây khó khăn cho các vùng trồng.
Sự biến đổi trong lượng mưa cùng với tình trạng hạn hán kéo dài đã tác động tiêu cực đến nguồn nước ngọt, làm suy giảm khả năng duy trì môi trường sinh thái nông nghiệp.
Do đó, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, để ngành nông nghiệp có thể đề phòng từ sớm, từ xa, giảm thiểu những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, cần đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy trí tuệ nhân tạo, ứng dụng sức mạnh của viễn thám trong thu thập thông tin, dự báo thời tiết nông vụ.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, chuyên viên Cục Trồng trọt, chia sẻ: Việc cung cấp thông tin thời tiết và khuyến cáo đi kèm không chỉ giúp người nông dân quyết định thời điểm và phương pháp canh tác, mà còn giúp họ giảm số lần phun thuốc trừ sâu/bệnh hại, giảm lượng phân bón sử dụng, và hạn chế thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh gây ra.
Từ năm 2021 đến nay, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai áp dụng dự báo thời tiết, khí hậu vào sản xuất nông nghiệp cho một số địa phương dựa trên các kết quả của nghiên cứu “Áp dụng dự báo thời hạn mùa và các giải pháp bảo hiểm tiên tiến vào quản lý rủi ro khí hậu trong ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á”, do Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế khu vực châu Á (gọi tắt là CIAT) thực hiện.
Thực tiễn triển khai tại các tỉnh cho thấy, bản tin thời tiết nông vụ đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân. Mỗi địa phương có những loại cây trồng chủ lực và địa hình khác nhau, bởi vậy tác động của thời tiết lên sản xuất nông nghiệp cũng khác nhau. Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như: nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, bão... và cũng có thể tác động gián tiếp thông qua sâu bệnh, dịch bệnh, nhiễm mặn...
Do vậy, các khuyến nghị nông nghiệp dựa trên thông tin khí hậu địa phương có thể hỗ trợ cải thiện việc lập kế hoạch, phục vụ trực tiếp cho điều chỉnh hoạt động sản xuất (ví dụ: chọn giống cây trồng thích hợp, ngày gieo trồng và quản lý cây trồng) và tăng cường khả năng phục hồi của các hộ nông dân trước rủi ro khí hậu.