Mạng riêng ảo (Virtual Private Network - VPN) là công nghệ giúp thiết lập một môi trường riêng an toàn khi người dùng kết nối tới các mạng công cộng như Internet hoặc mạng riêng do một nhà cung cấp dịch vụ sở hữu. Đây là một trong những giải pháp bảo mật cần thiết nhất hiện nay để bảo vệ dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp không bị mất trộm ngoài ý muốn.
"Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm Mạng riêng ảo - VPN" được Bộ TT&TT ra quyết định ban hành, bao gồm 8 nhóm yêu cầu: Yêu cầu về tài liệu; Yêu cầu về quản trị hệ thống; Yêu cầu về kiểm soát lỗi; Yêu cầu về log; Yêu cầu về hiệu năng xử lý; Yêu cầu về chức năng tự bảo vệ; Yêu cầu về dịch vụ mạng riêng ảo dựa trên giao thức SSL/TLS; Yêu cầu về dịch vụ mạng riêng ảo dựa trên giao thức IPSec. Đối tượng áp dụng các yêu cầu kỹ thuật cơ bản là những cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển; đánh giá và lựa chọn sản phẩm Mạng riêng ảo - VPN khi đưa vào sử dụng trong các hệ thống thông tin.
Với mỗi nhóm yêu cầu kỹ thuật cơ bản nêu trên, Bộ TT&TT khuyến nghị các nội dung, yêu cầu cụ thể mà sản phẩm VPN cần đáp ứng để đảm bảo chất lượng. Trong đó, tài liệu của sản phẩm VPN cần có 2 nội dung gồm hướng dẫn triển khai và thiết lập cấu hình, hướng dẫn sử dụng và quản trị.
Về quản trị hệ thống, VPN cần đáp ứng các yêu cầu về quản lý vận hành, quản trị từ xa, quản lý xác thực và phân quyền. Cụ thể, VPN cho phép quản trị từ xa an toàn đáp ứng các yêu cầu: Sử dụng giao thức có mã hóa như TLS hoặc tương đương; tự động đăng xuất tài khoản và hủy bỏ phiên kết nối quản trị từ xa khi hết thời gian duy trì phiên kết nối.
Hay với nhóm yêu cầu về log (nhật ký hệ thống), Bộ TT&TT khuyến nghị, VPN cần cho phép ghi log quản trị hệ thống về các loại sự kiện, các trường thông tin như: Đăng nhập, đăng xuất tài khoản; xác thực trước khi cho phép truy cập vào tài nguyên, sử dụng chức năng của hệ thống; khởi tạo kết nối mạng riêng ảo; thời gian sinh log; địa chỉ IP hoặc định danh của máy trạm; định danh của tác nhân; thông tin về hành vi thực hiện...
Bộ TT&TT giao Cục An toàn thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn việc áp dụng các yêu cầu trong “Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm Mạng riêng ảo – VPN”.
“Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm Mạng riêng ảo – VPN” được áp dụng cho các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển; đánh giá và lựa chọn sản phẩm này (Ảnh minh họa: VSEC). |
Việc xây dựng và ban hành yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm VPN là hoạt động để tiếp tục triển khai nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo, đó là xây dựng yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho 11 sản phẩm an toàn thông tin trong nước.
Bên cạnh đó, tài liệu cũng đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho sản phẩm VPN trong nước, với mục đích khuyến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, lựa chọn, sử dụng sản phẩm an toàn thông tin trong nước.
Đồng thời, góp phần tạo chuẩn mực chung đối với các sản phẩm an toàn thông tin trong nước, hướng tới chuẩn mực quốc tế; thí điểm, đánh giá thực tế việc áp dụng yêu cầu kỹ thuật làm cơ sở xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Cục An toàn thông tin, yêu cầu kỹ thuật cơ bản với sản phẩm Mạng riêng ảo - VPN đã được xây dựng trên cơ sở có tham khảo những tài liệu về các bộ tiêu chí của tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như: Tài liệu “IPSEC Testing and Certification Program Criteria” phiên bản 3.1 ngày 16/4/2020 của tổ chức ICSA Labs; tài liệu “SSL-TLS VPN Certification Criteria” phiên bản 5.0 ngày 21/5/2021 cũng của tổ chức ICSA Lab.
Trước đó, Bộ TT&TT cũng đã ban hành yêu cầu cơ bản cho một số sản phẩm an toàn thông tin như: Danh mục yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn thông tin mạng cho thiết bị IoT tiêu dùng (tháng 5/2021); Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm tường lửa ứng dụng Web - WAF), Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm quản lý và phân tích sự kiện an toàn thông tin – SIEM (tháng 7/2021); Yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho sản phẩm Nền tảng tri thức mối đe dọa an toàn thông tin - Threat Intelligence Platform, Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm Phòng, chống xâm nhập lớp mạng (tháng 10/2021).
Vân Anh
Không cập nhật bản vá VPN, 607 tổ chức Nhật Bản chịu hậu quả
Hiện các tổ chức bắt đầu bị ảnh hưởng vì không cập nhật bản vá VPN của Fortinet bao gồm Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, Đại học Sapporo, tập đoàn viễn thông NTT, hay cả Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản.