Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) luôn ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Uỷ ban cũng tăng cường đồng hành, kết nối các hoạt động này, tạo thành một mạng lưới có quy mô rộng khắp trên thế giới, nhằm hội tụ và lan toả những giá trị tốt đẹp của ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam.
Bước đầu, việc triển khai thực hiện Kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hằng năm sẽ là những hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hoá mục tiêu cao đẹp này.
Năm 2023, hàng loạt các hoạt động hưởng ứng Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai rộng khắp trên thế giới như: Cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài"; hoạt động tri ân các cá nhân, tổ chức hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt; xây dựng tủ sách tiếng Việt...
Tại Nhật Bản, các trường, lớp, trung tâm tiếng Việt được xây dựng, mở rộng như: Trường tiếng Việt tại Tokyo, Líu lo tiếng Việt tại Osaka, Tiếng Việt Saitama, Lớp học Hoa Mai tại Kobe... đã đẩy mạnh nhiều loại hình dạy và học tiếng Việt, tạo môi trường thuận lợi cho việc gìn giữ và tạo không gian văn hoá - tiếng Việt.
Việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam thế hệ thứ 2, thứ 3 ở Nhật Bản mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, giúp nâng cao tính tự hào dân tộc, bản sắc văn hóa, truyền thống Việt Nam và tăng cường nhận thức, cũng như hiểu biết xã hội, xây dựng các mối quan hệ gia đình gắn kết. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp xây dựng cộng đồng phát triển vững mạnh và tạo nguồn nhân lực quan trọng đóng góp vào quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế kiều bào lần thứ II tại Fukuoka, Nhật Bản, ngày 7/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, có buổi làm việc, tiếp xúc với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu.
Đại diện các hội doanh nhân, trí thức, thanh niên sinh viên, phụ nữ tại các tỉnh thuộc khu vực Kyushu vui mừng giới thiệu về hoạt động của hội và nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan trong nước.
Các hội đoàn mong muốn Ủy ban và Tổng Lãnh sự quán tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để hoạt động của các hội ngày càng hiệu quả, góp phần gắn kết cộng đồng, nâng cao vị thế ở sở tại; hỗ trợ công tác dạy tiếng Việt cho các thế hệ sau; hỗ trợ doanh nhân, trí thức, nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản kết nối với các bộ, ngành trong nước để nâng tầm doanh nghiệp Việt và đưa công nghệ tiên tiến của Nhật Bản về Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng nêu một số ý tưởng để các hội đoàn nghiên cứu triển khai, như thúc đẩy chính quyền sở tại đưa tiếng Việt trở thành ngoại ngữ trong các trường học; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng; đa dạng hóa các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam; tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Việt Nam…
Cùng ngày, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã đi thăm và dự giờ lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại Fukuoka.
Lớp học “Tiếng Việt của em” do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka phối hợp với Hội người Việt Nam tại Fukuoka tổ chức vào sáng thứ Bảy hàng tuần tại Trường Nhật ngữ GAG, với sự tham gia thường xuyên của trên 30 cháu thiếu nhi người Việt.
Bên cạnh học ngôn ngữ qua sách vở giáo trình, các em còn được học tiếng Việt thông qua nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với lứa tuổi như múa, hát, chơi các trò chơi dân gian, được giới thiệu các địa điểm văn hóa Việt Nam…
Cô Trần Bích Phượng sống ở Nara, Nhật Bản đã 13 năm nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Theo cô Phượng, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản quan tâm và luôn hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại Nhật Bản. Cụ thể là liên hệ với các trường cấp 3 để các em học sinh Việt Nam tại Nhật Bản có thể lựa chọn việc học tiếng của mình ở trường.
Tháng 8/2023, cô Phượng trở về Việt Nam dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài với mong muốn tiếp thu được kiến thức giảng dạy, để dạy cho con em người Việt, giúp các em giữ được tiếng nói dân tộc và các thế hệ sau thêm gần hơn với quê hương mình.
Cô khẳng định, tiếng Việt là sợi dây kết nối và giúp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cô cũng như mỗi người con xa xứ đều có tâm nguyện đưa ngôn ngữ quê hương tồn tại và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các thế hệ người Việt.
Theo cô Phượng, dạy tiếng Việt ở nước ngoài sẽ phải dạy như dạy ngoại ngữ và cần rất nhiều hỗ trợ, từ phương pháp, tài liệu, trang thiết bị... nhưng đó lại là những thứ vẫn thiếu, rất thiếu.
Hơn một thập niên trước, có hai tài liệu dạy tiếng Việt được trong nước biên soạn, tuy nhiên, nhiều giáo viên chỉ được tiếp cận bản photocopy. Năm 2023, bộ sách giáo khoa "Chào tiếng Việt" của TS.Thụy Anh chính thức ra mắt và với nỗ lực của đơn vị xuất bản, sách mới có mặt ở một số nước. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là kỹ năng sư phạm. Các giáo viên cần được lắng nghe, cần được hỗ trợ bài bản, thiết thực hơn về chuyên môn, về tài liệu.
Ngoài ra, theo cô Phượng, các lớp học chỉ là "đòn bẩy" để các con em người Việt thực sự nói tiếng Việt, dùng được tiếng Việt trong đời sống, cần khuyến khích sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong các gia đình người Việt ở Nhật. Hai hoạt động này cần phải thực hiện song song.