Tài liệu “Giao thức Internet thế hệ mới IPv6 và chuyển đổi Internet sang IPv6” phục vụ đào tạo sinh viên các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành về điện tử, viễn thông, CNTT đã được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT chủ trì biên soạn nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực lâu dài cho Internet Việt Nam.
Tài liệu “Giao thức Internet thế hệ mới IPv6 và chuyển đổi Internet sang IPv6” phục vụ đào tạo sinh viên các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành về điện tử, viễn thông, CNTT. |
Gồm 5 chương, tài liệu có nội dung là những kiến thức cập nhật nhất về hiện trạng, công nghệ IPv6, đảm bảo phù hợp cho công tác nghiên cứu, đào tạo và học tập của sinh viên các ngành điện tử viễn thông, CNTT trên cả nước.
Bản mềm nội dung tài liệu “Giao thức Internet thế hệ mới IPv6 và chuyển đổi Internet sang IPv6” được đăng tải tại địa chỉ https://vnnic.vn/IPv6/TailieudaotaoIPv6.
Với mong muốn các trường đại học, cao đẳng đẩy mạnh đào tạo nội dung về Internet IPv6 cho sinh viên các ngành, lĩnh vực điện tử, viễn thông và CNTT, Bộ TT&TT vừa gửi tặng Bộ GD&ĐT tài liệu “Giao thức Internet thế hệ mới IPv6 và chuyển đổi Internet sang IPv6”.
Bộ TT&TT cũng khuyến khích giảng viên, sinh viên các trường sử dụng các chương trình đào tạo trực tuyến về IPv6 được cung cấp trên nền tảng VNNIC Academy tại địa chỉ https://academy.vnnic.vn để học tập, nghiên cứu về công nghệ chuyển đổi IPv6.
Chuyển đổi địa chỉ Internet từ giao thức IPv4 sang IPv6 là yêu cầu bắt buộc nhằm giải quyết vấn đề cạn kiệt không gian địa chỉ của IPv4 và đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, 4G LTE/5G.
IPv6 là giao thức mặc định trong các dịch vụ 5G, IoT và được xác định sẽ kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên thế hệ mạng IP thông tin mới (IPv6+) cho kỷ nguyên của 5G và cloud. Dự báo tới năm 2025, hoạt động Internet toàn cầu sẽ chuyển đổi sang công nghệ thuần IPv6.
Đón trước xu thế công nghệ, từ năm 2008, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy, chuyển đổi sử dụng IPv6 trên hoạt động mạng, dịch vụ và hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng triển khai công nghệ mới IPv6.
Sinh viên các trường có thể sử dụng chương trình trực tuyến VNNIC Internet Academy để học tập, nghiên cứu về công nghệ chuyển đổi IPv6. (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tính đến tháng 5/2021, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đã đạt 43%, đứng thứ 2 ASEAN và thứ 10 toàn cầu với hơn 34 triệu người sử dụng truy cập Internet IPv6 qua mạng băng rộng di động và cố định 3G/4G/FTTH. Mạng Internet Việt Nam đã hoạt động an toàn, ổn định với IPv6.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020 đã xác định chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) là giải pháp quan trọng trong phát triển hạ tầng số.
Nhận thức rõ nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để có thể chuyển đổi và duy trì hoạt động ổn định về IPv6, Bộ TT&TT, trực tiếp là VNNIC đã xây dựng chương trình và tổ chức hơn 60 khóa đào tạo cho 2.276 cán bộ, kỹ sư đến từ các doanh nghiệp, các đơn vị phụ trách CNTT của các bộ, ngành, địa phương. VNNIC cũng phát triển chương trình đào tạo IPv6 trực tuyến, được cung cấp trên nền tảng VNNIC Academy.
Vân Anh
Công bố chương trình hỗ trợ chuyển đổi sang IPv6 cho cơ quan nhà nước đến năm 2025
Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Bộ TT&TT công bố. Trọng tâm của công tác thúc đẩy triển khai IPv6 trong 5 năm tới là các cơ quan nhà nước.