Một trong những mục tiêu của Quy hoạch TDPS phát thanh, truyền hình đến năm 2020 vừa được điều chỉnh là từng bước hình thành, phát triển thị trường TDPS, trên cơ sở tham gia của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2009 do Thủ tướng Chính phủ vừa ký nêu rõ, định hướng này là để mở rộng thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình và đảm bảo sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của nhà nước.
Đây là một sự thay đổi lớn so với Quyết định số 22/2009, bởi mục tiêu của quyết định cũ chỉ là từng bước hình thành, phát triển thị trường TDPS trên cơ sở tham gia của các DN nhà nước, hoặc Công ty cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Hiện tại, đã có hai doanh nghiệp TDPS khu vực được thành lập mới cùng với 3 doanh nghiệp TDPS toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Trong đó, tại miền Bắc, công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (Công ty Sông Hồng, tên gọi tắt là RTB) được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa 4 đơn vị là: Đài PT-TH Hà Nội, Công ty TNHH MTV Hanel, Công ty CP Đầu tư Phát triển Truyền hình Hà Nội và Công ty CP Dịch vụ Truyền thanh Truyền hình Hà Nội (HCATV). Với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, Công ty này sẽ triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị cho 14 đài PT-TH thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ theo đúng lộ trình đã đề ra của Đề án số hóa truyền hình.
Còn tại miền Nam, công ty truyền dẫn phát sóng được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa Đài Truyền hình TP.HCM và Đài PT-TH Vĩnh Long. Công ty này chịu trách nhiệm phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của 22 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Nam Bộ.
Quyết định mới cũng sửa đổi định hướng về phát triển công nghệ và tiêu chuẩn; theo đó, sẽ xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất Việt Nam trên cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất theo họ tiêu chuẩn châu Âu (DVB-T2) và các phiên bản tiếp theo để triển khai cho truyền hình số mặt đất tại Việt Nam.
Đối với dịch vụ phát sóng quảng bá, các doanh nghiệp đã có giấy phép cung cấp dịch vụ TDPS truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp triển khai phủ sóng, cung cấp dịch vụ ở địa phương nào thì bắt buộc phải bố trí, sắp xếp dung lượng theo quy định của Bộ Thông tin & Truyền thông để truyền tải các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Nhà nước.
Quyết định 22/2009 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 16/2/2009 với nội dung là mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình trong nước và quốc tế, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh của Đảng và Nhà nước; đảm bảo cung cấp cho đại đa số người dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài các dịch vụ phát thanh truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao... đồng thời phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng hiện đại, hiệu quả về tiêu chuẩn công nghệ, thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, để đáp ứng tình hình thực tế và sự thay đổi của công nghệ trong thời gian tới, Quyết định này đã được sửa đổi, bổ sung một số quy định về mục tiêu quy hoạch, định hướng phát triển.
Quyết định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2015.
T.C