Phú Yên là tỉnh có ngư trường khai thác rộng tại vùng biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với nhiều hòn đảo, 3 vùng sinh thái nước lợ, tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha, trong đó khoảng 2.738 ha vùng bãi triều có khả năng nuôi tôm nước lợ.
Thống kê mới đây cho hay, toàn tỉnh hiện có 1.930 tàu cá, trong đó có 656 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác vùng biển khơi. Số lượng tàu công suất 90 CV trở lên tăng dần hàng năm.
Hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đi vào tổ chức theo mô hình nghiệp đoàn, tổ đội. Toàn tỉnh đã thành lập được 119 tổ đội sản xuất trên biển với 926 tàu cá và khoảng 7.945 lao động tham gia, thường xuyên liên kết và tổ chức khai thác trên biển.
Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển đã được hình thành. Các đội tàu chủ yếu thu mua thủy sản trên biển, cùng với đó là cung ứng một số dịch vụ hậu cần khác như nhiên liệu, nước đá, lương thực, vật tư…
Những năm gần đây, các ngành nghề khai thác thủy sản ở Phú Yên có chiều hướng chuyển đổi tăng năng suất, sản lượng và giá trị khai thác. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm của tỉnh đạt trên 60.000 tấn với nhiều loại thủy sản có giá trị. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 40% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
“Các chủ tàu đã ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới phương thức, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề khai thác, nhưng sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề diễn ra với tốc độ chậm, nên năng suất lao động, sản lượng khai thác, thu nhập của ngư dân thấp hơn so với một số ngành nghề khác trên địa bàn”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Học viện Chính trị khu vực III lưu ý.
“Chất lượng lao động của ngành thủy sản ở tỉnh Phú Yên nói chung và lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng đang là một trong những hạn chế ảnh hưởng lớn đến chất lượng, năng suất khai thác thủy sản hiện nay của tỉnh”, ông Tuấn lưu ý thêm.
Cùng với đó, ngành thủy sản tỉnh Phú Yên vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hiểm họa của thiên tai...
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phát triển ngành thủy sản bền vững ở tỉnh Phú Yên cần phải có các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo hài hòa vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo.
Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông Tuấn cũng đã đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cụ thể nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản của Phú Yên.
Ưu tiên hàng đầu là tiếp tục phát triển hệ thống tổ, đội, hợp tác xã, hội, hiệp hội khai thác thủy sản trên biển gắn với mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ, vùng lộng và vùng khơi theo hướng hiện đại trên cơ sở đảm bảo gia tăng sản lượng, giá trị hiệu quả cao và bền vững. Thực hiện quá trình chuyển đổi, hoán cải tàu thuyền công suất nhỏ, đóng mới tàu có công suất lớn phục vụ khai thác xa bờ; chuyển đổi nghề khai thác ven bờ (như lưới kéo, vó mành…) sang nghề khai thác xa bờ (nghề câu cá ngừ đại dương, lưới vây…) hoặc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Đối với các ngành nghề khai thác ven bờ hiệu quả thấp, gây hại đến nguồn lợi thủy sản cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp về vốn, lao động, công nghệ, khuyến khích ngư dân chuyển đổi sang làm dịch vụ nghề cá, nuôi hải sản trên biển áp dụng công nghệ cao theo mô hình trang trại tổng hợp (kết hợp du lịch, dịch vụ) phù hợp với điều kiện tự nhiên, diện tích nuôi trồng từng địa phương như thành phố Tuy Hòa, Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu…”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, trang bị thiết bị thông tin liên lạc, an toàn kỹ thuật theo quy định và hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất gắn với việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo.
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ thành lập nghiệp đoàn nghề cá, tổ hợp tác thủy sản trên biển giúp kết nối sản xuất của cộng đồng ngư dân, nắm bắt thuận lợi, khó khăn; đồng hành, giúp đỡ ngư dân an tâm bám biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.