Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ ngày càng nhiều và xảy ra trên diện rộng, từ đường cao tốc đến các tuyến đường trong nội đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Hậu quả không chỉ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến đường mà còn gây thiệt hại về vật chất cho xã hội, gây bức xúc trong nhân dân và làm giảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Lực lượng chức năng mỏng trong khi số lượng phương tiện tăng vọt
Thông tin trên Báo điện tử Kinh tế và Đô thị đưa ra con số thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến nay TP có khoảng 7,6 phương tiện đăng ký bao gồm cả ô tô, xe máy, xe máy điện và tình trạng vi phạm luật giao thông xuất hiện phố biến khắp nơi, ngày càng nhiều hơn.
Bên cạnh việc đưa ra số thống kê về phương tiện, bài báo còn cho độc giả thấy lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) của Phòng CSGT thuộc Công an Hà Nội chỉ có khoảng hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ.
Tác giả bài báo đặt câu hỏi “Vì sao người dân nhờn luật? Liệu có phải một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến người tham gia giao thông ngày càng tùy tiện, bất chấp luật pháp là sự bất lực của CSGT?
Hình ảnh những chiến sĩ CSGT buộc phải quay đi, hay bó tay đứng nhìn hàng đoàn xe máy vi phạm ngay trước mắt đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân, nguy hiểm hơn là tình trạng nhờn luật ở một số người, nhất là giới trẻ.”.
Thông tin đăng tải trên Báo điện tử Công an TP.HCM trích đưa thông tin từ báo cáo “Toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với cùng kỳ năm 2020, tai nạn giao thông giảm 3.496 vụ (23,32%), số người chết giảm 1.068 người (15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (28,16%).”
Bài báo cũng chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông.
Cần thiết phải có biện pháp thu hút sự tham gia chống vi phạm trật tự giao thông.
Phải nói rằng, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã có nhiều giải pháp tích cực áp dụng trong thực tế và đã đạt được nhiều thành quả nhất định, trong đó có giảm những thiệt hại về người, tài sản do vi phạm trật tự an toàn giao thông và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho phần lớn người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, thực tế là các biện pháp chưa phát huy hết tác dụng để cho một kết quả như kỳ vọng.
Do đó, cần phải có một giải pháp thu hút được nhiều người tham gia và áp dụng để phát hiện vi phạm ở mọi lúc, mọi nơi thì sẽ ngăn chặn được hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và hình thành văn hóa giao thông lịch sự (nói không với hành vi vi phạm) và văn minh (thấy xấu hổ khi thực hiện hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông).
Người dân tham gia phát hiện và cung cấp thông tin, hình ảnh của người vi phạm trật tự an toàn giao thông cho CSGT.
Công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác tin báo về tội phạm, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3, điều 14, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020, quy định “Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.”
Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông thì công dân có thể gửi ngay những hình ảnh, thông tin vi phạm đó tới cho CSGT thông qua các ứng dụng như Facebook, Zalo, hoặc cổng thông tin điện tử, thư điện tử (email)….
Cơ quan CSGT tiếp nhận, phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật và phản hồi việc đã nhận cho người gửi.
Cơ chế được hưởng lợi ích vật chất từ tiền phạt vi phạm giao thông cho người phát hiện, cung cấp thông tin.
Để khuyến khích sự tham gia của nhân dân trong việc phát hiện hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
Cụ thể, áp dụng theo hình thức khuyến khích bằng việc trả phần trăm (%) cho người phát hiện, cung cấp thông tin phương tiện vi phạm. Ví dụ, một cá nhân cung cấp hình ảnh xe ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc hoặc xe ô tô đi vào làn đường khẩn cấp cho CSGT thông qua cổng thông tin điện tử.
Sau đó, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện vi phạm. Số tiền thu được từ lỗi vi phạm của phương tiện đó được trích lại một phần trăm (%) cho người phát hiện, cung cấp thông tin.
Kết lại, hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ được phát hiện và cung cấp thông tin đến cho cơ quan chức năng nhanh nhất, sớm nhất khi Nhà nước có cơ chế trả phần trăm cho người phát hiện, cung cấp thông tin đó. Khi cơ chế khuyến khích bằng lợi ích vật chất được thực hiện thì sẽ giải quyết được vấn đề đang nóng bỏng hiện nay, đó là:
Sử dụng có hiệu quả những phương tiện kỹ thuật mà CSGT đã được trang bị và giảm tải sự tham gia trực tiếp của CSGT trong việc bố trí cán bộ ở khắp các điểm giao cắt hay ngã ba, ngã tư như thời gian qua.
Người phát hiện, cung cấp thông tin của phương tiện vi phạm được hưởng phần trăm trên số tiền phạt mà người vi phạm phải nộp vào ngân sách.
Số tiền được hưởng này sẽ là một khoản thu nhập chính đáng và sẽ khuyến khích chính người đó tham gia nhiều hơn nữa trong việc phát hiện, phòng chống vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Quan trọng hơn cả là ngăn chặn được hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và thay đổi được ý thức của người tham gia giao thông trong tương lai gần.
Luật sư Hoàng Minh Hiển (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)