Với chiều dài đường bờ biển 102 km, tỉnh Thanh Hóa có nhiều điều kiện để phát triển ngành khai thác thủy sản. Toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 6.250 tàu cá khai thác hải sản, tàu khai thác xa bờ chỉ chiếm hơn 20%. Các tàu cá này đã được trang bị công nghệ hiện đại như máy định vị, máy dò cá, thông tin liên lạc, công nghệ và phương tiện khai thác, bảo quản hải sản đánh bắt được. 

Với chiến lược khai thác thủy sản bền vững, từ nhiều năm nay Thanh Hóa khuyến khích chuyển đổi nghề khai thác thủy sản mang tính tận diệt sang các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, nuôi trồng thủy sản của Thanh Hóa phát triển trên các môi trường nước mặn, nước lợ, nước ngọt. 

Theo Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa, sản lượng thủy sản trong tỉnh vẫn không giảm. Tính chung 11 tháng năm 2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 197.205 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 129.587 tấn, tăng 4,0%, sản lượng nuôi trồng 67.618 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ.

tau ca thanhhoa .png
Các lực lượng chức năng rà soát, lập danh sách, đánh số đối với tàu cá có chiều dài dưới 6m. 

Ngoài ra, Thanh Hóa tích cực hỗ trợ ngư dân chuyển đổi hoạt động khai thác hải sản đảm bảo môi trường, không mang tính tận diệt. Đối với các tàu cá tham gia khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, chủ tàu trên địa bàn tỉnh về lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá để vươn khơi, khai thác an toàn, bền vững. Từ năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho phép các chủ tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề sang nghề khai thác thủy sản thân thiện với môi trường. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35 về việc ban hành quy định tiêu chí đặc thù đối với đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển hướng dẫn ngư dân chuyển đổi hướng khai thác.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến hết tháng 10/2023, tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên và đến nay đã cấp 1.759 giấy phép, đạt 96,1%, trong đó: vùng khơi là 1.062 giấy phép, đạt 95,93%. Bao gồm: nghề kéo 179 giấy phép; nghề vây 88 giấy phép; nghề rê 141 giấy phép; nghề câu 119 giấy phép; nghề chụp 304 giấy phép; nghề khác 121 giấy phép và tàu hậu cần 110 giấy phép.

Khu vực khai thác tại vùng lộng là 697 giấy phép, đạt 96,4% bao gồm nghề kéo 260 giấy phép; nghề vây 17 giấy phép; nghề rê 76 giấy phép; nghề câu 85 giấy phép; nghề chụp 53 giấy phép; nghề khác 204 giấy phép và tàu hậu cần 2 giấy phép. 

Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Thủy sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhu cầu chuyển đổi sang nghề lưới rê đánh bắt theo các loài cá: rê cá lưỡng, rê trích, rê ghẹ... là rất lớn (Quảng Xương 62 tàu, Hoằng Hóa 11 tàu, TP Sầm Sơn 04 tàu…) nhưng hạn ngạch đã gần hết và do việc cấm chuyển đổi từ nghề khác sang nghề lưới rê. 

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải hoán, chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, phù hợp thực tế về phát triển nghề khai thác định hướng của tỉnh, đồng thời thực hiện hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU (mục tiêu 100% tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất cho phép chủ tàu cá chuyển đổi nghề khai thác trong tổng số hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản của tỉnh đã được công bố; không chuyển đổi các nghề khai thác sang nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ.

Chi cục Thủy sản tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện cải hoán theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất, ưu tiên đóng mới, cải hoán tàu cá tham gia khai thác xa bờ.  Ngư dân không được tự ý cải hoán tàu cá khi chưa có chấp thuận của cơ quan chức năng. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Nguyễn Hằng và nhóm PV, BTV