Thông tin từ Văn phòng Chính phủ vừa cho hay, xét báo cáo của Bộ TT&TT về đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gương mẫu, đi đầu trong việc ứng dụng CNTT; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu chỉ đạo tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương ban hành Thông tư quy định quản lý văn bản đi, văn bản đến và lập hồ sơ, tài liệu điện tử và Thông quy định tiêu chuẩn dữ liệu đầu vào của tài liệu lưu trữ điện tử trong quý IV/2018.
Bộ Nội vụ cũng có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung tiêu chí trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính (Par Index) bảo đảm tăng cường gắn kết cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai có hiệu quả Nghị định 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ TT&TT chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn về cơ chế tài chính cho phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80 ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, trong tháng 10/2018. Đẩy nhanh thời điểm công bố báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước định kỳ hàng năm chậm nhất trong quý I năm tiếp theo.
Bộ TT&TT còn được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cập nhật (phiên bản 2.0) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 232 ngày 28/6/2018 của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 11/2018. Đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức và Nghị định về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức trong tháng 10/2018.
Liên quan đến ý kiến chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại Thông báo ngày 28/6 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 14/5/2018 về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cập nhật (phiên bản 2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn mới; phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019.
Như vậy, với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc chủ trì soạn thảo Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức và Nghị định về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức giao cho Bộ TT&TT.
Cuối tháng 4/2015, khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 đã được Bộ TT&TT ban hành. Đây là căn cứ để thời gian qua các Bộ, tỉnh xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử chi tiết của bộ, ngành mình, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các Bộ, tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến hết quý II/2018, đã có khoảng 50 bộ, ngành, địa phương ban hành khung kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử nhằm xác định lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của cơ quan, địa phương mình và là cơ sở cho việc quyết định đầu tư, triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành, địa phương còn lại cũng đang tích cực triển khai xây dựng để có thể ban hành trước tháng 9/2018 theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đã khảo sát, tổng hợp tình hình triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử trên phạm vi cả nước và đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017. Kết quả đánh giá đã được Bộ TT&TT công bố tại hội thảo Chính phủ điện tử 2018 chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả” diễn ra ngày 5/7/2018 tại Hà Nội, với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thừa Thiên-Huế là 3 bộ, ngành, địa phương dẫn đầu ở 3 khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ; các cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2017, công tác đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của cơ quan nhà nước được thực hiện với 6 hạng mục gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử (cung cấp, cập nhật thông tin, các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; Nhân lực cho ứng dụng CNTT.