Vào ngày 24/2, công ty an ninh mạng ESET cho biết họ đã phát hiện ra phần một phần mềm độc hại có khả năng xóa mọi dữ liệu được lưu hành trong các tổ chức Ukraine. Trước đó một ngày, các trang web của một số cơ quan chính phủ và ngân hàng Ukraine đã không thể truy cập do ảnh hưởng từ một cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS).
Khủng hoảng Nga - Ukraine có thể dẫn đến chiến tranh mạng toàn cầu |
Vào tuần trước, bốn trang web chính phủ của Ukraine cũng đã bị đánh sập. Người dân Ukraine cho biết cũng nhận được tin nhắn giả với nội dung các máy ATM ở nước này không hoạt động.
Với những cuộc tấn công mạng dồn dập như vậy, các chính phủ ở cả hai bờ Đại Tây Dương lo ngại tình hình có thể lan sang các nước khác, trở thành một cuộc chiến tranh mạng diện rộng. Các quan chức ở cả Mỹ và Anh lưu ý các doanh nghiệp hết sức cảnh giác đến vấn đề an ninh mạng trước bối cảnh căng thẳng này. Thủ tướng Estonia - Kaja Kallas cũng cho biết các quốc gia châu Âu nên lưu tâm đến tình hình an ninh mạng ở quốc gia của mình.
Các nhà nghiên cứu an ninh mạng cho biết một cuộc chiến tranh mạng hoàn toàn có thể xảy ra giữa Nga và phương Tây. John Hultquist, phó chủ tịch phân tích tình báo của Mandiant, nói với CNBC: “Tôi nghĩ điều đó rất có thể xảy ra, nhưng quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ thế nào là chiến tranh mạng. Trên thực tế hầu hết các cuộc tấn công mạng mà chúng tôi chứng kiến đều là phi bạo lực và phần lớn có thể xử lý được”.
Các nhà nghiên cứu tại Symantec cho biết phần mềm độc hại được phát hiện ở Ukraine ảnh hưởng đến các nhà thầu chính phủ Ukraine ở Latvia và Lithuania, vì thế nó có khả năng lan sang cả những nước khác.
Toby Lewis, trưởng bộ phận phân tích mối đe dọa tại Darktrace cho biết: “Các cuộc tấn công mạng gây ra những tác động về chuỗi cung ứng toàn cầu, nó có thể sẽ gây ảnh hưởng với các nước phương Tây phụ thuộc vào cùng một nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ”.
Hitesh Sheth, Giám đốc điều hành Vectra AI chia sẻ với CNBC rằng cuộc tấn công mạng đóng vai trò như một phần vũ khí của bất kỳ quốc gia nào, nhằm ám chỉ Nga có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây được công bố hồi đầu tuần.
Nga từ lâu đã bị chính phủ các nước và các nhà nghiên cứu an ninh mạng cáo buộc tiến hành các cuộc tấn công mạng và các thực hiện các chiến dịch phát tán thông tin sai lệch. Giờ đây, các chuyên gia cho rằng Nga có thể tung ra nhiều hình thức tấn công mạng tinh vi hơn, nhằm vào Ukraine và có thể cả các nước khác.
Vào năm 2017, một phần mềm độc hại khét tiếng có tên là NotPetya đã lây nhiễm các máy tính trên khắp thế giới. Ban đầu nó nhắm mục tiêu vào các tổ chức Ukraine nhưng sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, ảnh hưởng đến các tập đoàn lớn như Maersk, WPP và Merck. Các cuộc tấn công được đổ lỗi cho cục tình báo Nga GRU, gây ra tổng thiệt hại lên tới 10 tỷ USD.
Ông Hultquist cho biết, Nga đã khai thác cơ sở hạ tầng ở các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Đức trong một thời gian dài, tuy nhiên họ chưa bao giờ thực sự “bóp cò”. Nếu Nga thực hiện các vụ tấn công mạng để chống lại phương Tây, thì có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng lo ngại.
Về phần mình, Nga khẳng định "chưa bao giờ và không tiến hành bất kỳ hoạt động độc hại nào trên không gian mạng".
Hương Dung (Theo CNBC)
Căng thẳng Nga - Ukraine đặt Big Tech vào thế khó
Cuộc giao tranh quân sự giữa Nga và Ukraine kéo theo một mạng lưới các chiến dịch thông tin sai lệch, đặt các công ty công nghệ lớn vào thế khó xử.