Sự cố diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của Venezuela, một nước thành viên thuộc Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sụp đổ vì siêu lạm phát. Diễn biến mới nhất đang làm rúng động thế giới và gây chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.
Hãy cùng điểm lại một số cột mốc đáng nhớ dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại của Venezuela, kể từ sau cái chết của nhà lãnh đạo Hugo Chavez:
Ông Nicolas Maduro (bìa trái) cùng quan khách tại lễ tang cố Tổng thống Hugo Chavez. Ảnh: Channel 4 |
Tháng 3/2013, Tổng thống Hugo Chavez, người nắm quyền lãnh đạo Venezuela suốt 14 năm, qua đời ở tuổi 58 vì ung thư. Phó Tổng thống Nicolas Maduro, người được ông Chavez chọn kế nhiệm, tạm thời thay ông nắm cương vị lãnh đạo chính phủ.
Ảnh: Reuters |
Tháng 4/2013, trong cuộc bầu cử tổng thống cho nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo, ông Maduro giành chiến thắng sít sao trước ứng cử viên đối lập Henrique Capriles, người từng bị ông Chavez đánh bại trong các vòng bỏ phiếu một năm trước đó. Chính trị gia Capriles cùng các đồng minh cáo buộc tổng tuyển cử có nhiều gian lận và kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình.
Ảnh: USA Today |
Tháng 2/2014, các lực lượng an ninh Venezuela bắt giữ Leopoldo Lopez, một lãnh đạo nổi tiếng của phe đối lập vì cáo buộc gây bất ổn, sau làn sóng biểu tình nhằm lật đổ Tổng thống Maduro.
Lạm phát khiến đồng nội tệ của Venezuela mất giá nghiêm trọng. Một chồng tiền mới mua nổi một quả chuối. Ảnh: Word Press |
Tháng 12/2015, Liên minh Thống nhất dân chủ đối lập giành quyền kiểm soát Quốc hội Venezuela, lần đầu tiên trong vòng 16 năm, khi người dân nước này ngày càng trở nên bất mãn với tình trạng suy thoái kéo dài và lạm phát gia tăng tiếp sau sự sụt giảm của giá dầu mỏ.
Những người biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Maduro. Ảnh: Reuters |
Tháng 3/2016, Tòa án tối cao Venezuela, vốn luôn đứng về phía Đảng Xã hội cầm quyền, tuyên bố sẽ tiếp quản các chức năng của Quốc hội. Tòa nhanh chóng rút lại quyết định trước sự phản đối kịch liệt của quốc tế. Song, sự kiện đã châm ngòi nổ cho các cuộc biểu tình chống chính phủ, kéo dài nhiều tháng ở Venezuela, khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Ảnh: NYT |
Tháng 7/2017, bất chấp sự tẩy chay của phe đối lập, chính phủ của Tổng thống Maduro đã tổ chức trưng cầu dân ý nhằm phê chuẩn việc thành lập một cơ quan lập pháp toàn năng, có tên là Hội đồng lập hiến. Cơ quan mới trên danh nghĩa chỉ làm giao nhiệm vụ viết lại Hiến pháp, nhưng thực tế đã nhanh chóng thâu tóm các chức năng lập pháp quan trọng khác, khiến ông Maduro phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc đang phá hoại nền dân chủ.
Ảnh: Panama Today |
Tháng 2/2018, các cuộc hòa đàm giữa chính phủ và phe đối lập sụp đổ do bất đồng nghiêm trọng về thời gian tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Chính phủ tuyên bố, các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2018, trong khi các đảng đối lập chính quả quyết sẽ tẩy chay quyết định đó.
Ảnh: AP |
Tháng 5/2018, ông Maduro tái đắc cử tổng thống sau khi đánh bại một ứng cử viên đối lập ít tên tuổi hơn trong cuộc tổng tuyển cử có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp và bị tố cáo xảy ra hiện tượng "mua phiếu". Phe đối lập ở Venezuela, Mỹ và Nhóm Lima (gồm hầu hết các chính phủ Mỹ Latinh thiên hữu) tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử này.
Lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Ảnh: BBC |
Ngày 5/1/2019, Juan Guaido, 35 tuổi, một nghị sĩ đối lập gần như vô danh, đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Venezuela. Ông Guaido công khai gọi Tổng thống Maduro là "kẻ lạm quyền".
Ảnh: BI |
Ngày 11/1/2019, ông Maduro, 57 tuổi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Venezuela nhiệm kỳ hai.
Ảnh: Reuters |
Ngày 23/1/2019, Chủ tịch Quốc hội Guaido tự xưng là quyền tổng thống Venezuela. Ông Guaido tuyên bố sẽ điều hành đất nước cho tới khi thành lập được một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử tự do.
Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu và hầu hết các nước thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ngay lập tức công nhận vai trò "tổng thống lâm thời" tự phong của ông Guaido.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm và cam kết ủng hộ chính phủ hợp pháp của người đồng cấp Venezuela Maduro. Ảnh trên ghi lại một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ năm 2013. Ảnh: AP |
Ngược lại, Cuba, Bolivia và Mexico tuyên bố sẽ đứng về phía chính phủ hợp pháp của Tổng thống Maduro. Nga, Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng lên án động thái của Mỹ là can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Venezuela.
Ảnh: Fox News |
Cùng ngày 23/1/2019, Tổng thống Venezuela Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời buộc phái đoàn ngoại giao của Washington phải rời nước này trong vòng 72 tiếng đồng hồ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters |
Song, Washington đã bác bỏ "tối hậu thư" của ông Maduro. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đe dọa sẽ trả đũa nếu Caracas có hành động làm tổn hại đến các công dân Mỹ.
Ảnh: BBC |
Ngày 24/1/2019, Tổng thống Maduro triệu hồi tất cả nhân viên ngoại giao Venezuela ở Mỹ về nước, đồng thời ra lệnh đóng cửa hoàn toàn đại sứ quán ở Washington và các lãnh sự quán ở Mỹ.
Ảnh: AP |
Các tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Venezuela cùng xuất hiện trên truyền hình, khẳng định sẽ trung thành với Tổng thống Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino gọi hành động của Chủ tịch Quốc hội là một cuộc đảo chính dưới sự hậu thuẫn của "các thế lực đen tối".
Trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: RT |
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các viên chức ngoại giao không quan trọng rời khỏi Venezuela. Đại sứ quán Mỹ ở Caracas cũng đề nghị công dân Mỹ "hết sức cân nhắc" việc rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này.
Tuấn Anh