Là một điểm nhấn ấn tượng trong chương trình bế mạc tuần lễ thời trang AVIFW vào tối ngày 23/7, sự xuất hiện của khung dệt 100 năm tuổi ngay trên sân khấu khi người mẫu đang trình diễn các bộ sưu tập đem đến nhiều cảm xúc.
HTX Lụa Cổ Chất (Nam Định) nỗ lực đưa khung dệt góp mặt trong chương trình nhằm truyền tải thông điệp “thời trang xanh mang hơi thở văn hoá và lịch sử". Đây là 1 trong 10 khung dệt cổ hiện còn tồn tại và đã gắn liền với hơn 16 đời nghệ nhân và chiều dài hơn 300 năm phát triển làng tơ Cổ Chất.
Theo thông tin từ các nghệ nhân, khung dệt thủ công hiện vẫn là phương thức dệt vải chính tại làng bởi chỉ có khung gỗ thủ công mới có thể dệt từ sợi tơ to nhỏ khác nhau (sợi thành phẩm từ kỹ thuật ươm thủ công tại làng) và đó cũng là lý do chỉ khung gỗ mới dệt nên được những thước vải tơ tằm dày dặn với định lượng lớn hơn, có tính ứng dụng cao hơn hẳn lụa dệt máy.
Thông thường, thời gian để lắp đặt một chiếc khung thủ công sẽ hết ít nhất 8 tiếng và để có thể dệt suôn sẻ sẽ mất thêm 12 tiếng nữa. Mặc dù vậy, do một số lý do bất khả kháng, thời gian được phép hoàn thiện ngay trước khi lên sân khấu AVIFW 2023 chỉ là 4 tiếng. Nhưng với nỗ lực của các nghệ nhân, khung dệt sang thoi thành công và sẵn sàng ngay trước buổi biểu diễn chỉ vài phút.
Bên cạnh đó, chất vải lụa thủ công organza - một sản phẩm của HTX Cổ Chất - cũng góp mặt trong một số mẫu thiết kế từ BST Green Phoenix, thực hiện bởi NTK Vũ Thu Phương. Bộ sưu tập với ý tưởng sống xanh, ứng dụng các chất liệu vải tự nhiên như lụa, voan với màu sắc và chi tiết tinh tế, mang nét truyền thống pha lẫn hiện đại đem đến cảm giác sang trọng, nổi bật nhưng vẫn dễ ứng dụng.
Theo các nghệ nhân, lụa organza của Cổ Chất được dệt thủ công giúp giữ nguyên bản 100% keo tơ tự nhiên, không trải qua bất cứ công đoạn tẩy chuội hay sử dụng hoá chất, an toàn trong quá trình sử dụng. Sự phù hợp của chất liệu đã góp phần thể hiện tinh thần bền vững của chương trình AVIFW hè 2023 cũng như thông điệp sống xanh mà các bộ sưu tập mang đến.
Không bóng bẩy, hào nhoáng, mà mềm mại, mỏng manh, tơ lụa truyền thống còn thể hiện đúng bản chất vốn có của sợi tơ - một loại sợi bền chắc trong các loại sợi tự nhiên. Bởi đặc tính ấy, Cổ Chất lựa chọn ứng dụng lụa thủ công chủ yếu cho các sản phẩm đời thường như vỏ chăn, ga giường, áo gối, đồ ngủ, đồ lót, mũ ngủ hay các phụ kiện thời trang - làm đẹp như khăn quàng, đồ cột tóc, đồ chăm sóc da và đồ dùng trong phòng tắm. Các sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng và ưa chuộng.
Bên cạnh đó, các loại chất liệu như vải nái, vải tơ organza và một số loại vải tơ cao cấp khác cũng thích hợp và được nhiều người lựa chọn để phục dựng cổ phục, hay thiết kế trang phục theo phong cách hiện đại và truyền thống. Với những “cá tính" ấy, tơ lụa tự nhiên thu hút được sự chú ý của các nhà thiết kế sáng tạo, có gu, đầu tư nghiên cứu và dành tình yêu cho các chất liệu truyền thống Việt Nam.
Ngay sau sự kiện, nhiều nhà thiết kế đã chia sẻ sự quan tâm với chất liệu vải tơ lụa tự nhiên của Cổ Chất cho các bộ sưu tập tiếp theo. Chương trình AVIFW cùng sự góp sức của các nhà thiết kế đã mở ra cánh cửa hi vọng cho tương lai phát triển mạnh mẽ trong thời hiện đại của các làng nghề truyền thống như làng nghề lụa Cổ Chất - Nam Định.
Làng nghề lụa truyền thống Cổ Chất tại Nam Định có lịch sử 300 năm, qua 16 đời truyền dạy và làm nghề, hiện là một trong số rất ít ngôi làng còn ươm tơ theo phương thức thủ công. Thành lập tháng 11/2021, HTX Lụa Cổ Chất là nơi quy tụ những nghệ nhân lành nghề từ 11 hộ gia đình tại đây còn gìn giữ và phát huy các giá trị, kỹ thuật ươm tơ từ hàng trăm năm trước. HTX Cổ Chất tạo nên các sản phẩm lụa cao cấp, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, có tính thẩm mỹ cao đáp ứng nhu cầu của người yêu lụa Việt Nam và trên thế giới, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế bao gồm sản phẩm tơ tằm làm đẹp và dùng trong nhà tắm, phụ kiện từ tơ tằm, sản phẩm dùng cho phòng ngủ, chất liệu may mặc, thiết kế thời trang. HTX Lụa Cổ Chất, thôn Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Đinh Hotline: 085 591 4128 Website: www.cochatsilk.com |
Hồng Nhung