Sống chui rúc, chật chội “chỉ thở thôi cũng thấy mệt rồi” nhưng riết rồi cũng thành quen. Mà không quen thì cũng phải quen.
TP.HCM là đô thị đặc biệt, nơi từng được mệnh danh là Hòn ngọc viễn đông, với những công trình hoành tráng, hiện đại, tốc độ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn tồn tại những nghịch lý khó tin.
Nằm sát bên cạnh những tòa nhà tráng lệ, những công trình cao tầng của “khu đất vàng” tại trung tâm quận 1, ít ai biết lại là những căn nhà bé xíu như những chiếc hộp diêm, diện tích nhỏ không thể nhỏ hơn. Có những gia đình ngót nửa thế kỷ chưa một lần được quây quần cùng nhau bên mâm cơm chỉ vì nhà không đủ chỗ ngồi.
Những căn nhà không thấy mặt trời
Khu Mả Lạng nằm lọt thỏm trong các tuyến đường Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Đường vào khu Mả Lạng như một mê trận với hàng loạt con hẻm nhỏ chạy loằng ngoằng chỉ đủ để một chiếc xe máy đi qua.
Nhìn bên ngoài, ít ai biết đằng sau những tuyến đường buôn bán sầm uất là hàng trăm căn nhà diện tích chỉ khoảng 5-7 m2, lụp xụp, rách nát. Trong đó có không ít nhà nhiều chục năm nay không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Khu nhà ổ chuột nằm giữa lòng trung tâm sầm uất nhất TP.HCM. |
Vậy nhưng đây đã trở thành nơi che chở cho hàng nghìn số phận, hàng nghìn mảnh đời nghèo khổ suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Ngoài 60 tuổi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiệp đã trải qua hơn 25 năm sống trong căn nhà có bề ngang 1,5 m, chiều sâu 5 m. Diện tích chỉ vẻn vẹn 7,5 m2 nhưng căn nhà này đã là tổ ấm của sáu người gồm vợ chồng ông, vợ chồng một người con và hai đứa cháu.
Ông Hiệp kể rằng đầu năm 1990 ông là dân tứ xứ trôi dạt về Sài Gòn kiếm sống rồi mua lại căn nhà này từ một người chủ cũ. Vốn dĩ ban đầu căn nhà có diện tích 15 m2 nhưng chủ cũng đã ngăn ra thành hai phần để bán.
Kể về những sinh hoạt của cả gia đình trong căn nhà bé xíu, ông Hiệp cho biết để có chỗ ngủ cho cả gia đình, ông đã cơi nới thêm một gác nhỏ khoảng 5 m2 để cho vợ chồng con, cháu ngủ. Hai vợ chồng ông ngủ ở dưới nền nhà. Đó cũng là nơi chứa tất cả đồ đạc, vật dụng trong gia đình, cũng là nơi nấu cơm, rửa chén, giặt đồ.
Mấy chục năm qua, căn nhà không có chỗ để làm nhà vệ sinh nên chỗ rửa rau, nấu cơm ngay sát cửa ra vào, đồng thời cũng là nơi đi vệ sinh!
“Cả căn nhà của tôi có khi còn chưa bằng một cái nhà vệ sinh của người ta. Mỗi khi chúng tôi đi vệ sinh thì phải đóng cửa lại, ai ở trong nhà thì bịt mũi, còn không thì phải đi ra khỏi nhà”, ông Hiệp cho hay.
Ông Hiệp cho biết thêm ngày xưa, trong khu Mả Lạng có sáu nhà vệ sinh công cộng cho cả khu dùng chung, nhưng sau này người đến ở đông, nhà vệ sinh cũng trở thành nhà ở. Vì vậy, trong khu này cũng có nhiều gia đình không thể xây nhà vệ sinh vì diện tích quá nhỏ và đều phải “tự giải quyết” như kiểu của gia đình ông vẫn làm.
Giấc mơ được ngồi cùng nhau bên mâm cơm
Dãy nhà kế tiếp tôi đến cũng tối tăm không thấy ánh mặt trời. Những căn nhà bé như cái hộp diêm, không đủ chỗ sinh hoạt, xe cộ đa phần để ở bên ngoài nhà khiến những con hẻm vốn đã chật lại càng chật chội hơn.
Bà Phạm Thị Tuyết Nga cùng người cha sống trong căn nhà có diện tích 5 m2 hàng chục năm nay. Cha bà Nga bị bệnh đường ruột nhưng không dám đi mổ vì sợ khi ngủ nhà quá chật, bà Nga sẽ đụng phải vết thương của cha mình. |
Nhiều gia đình còn phải nấu cơm, rửa chén ở bên ngoài vì trong nhà không đủ chỗ.
7h tối, thời điểm tập trung đông đủ nhất của các gia đình. Tôi ghé thăm nhà ông Huỳnh Trung Nghĩa khi ông vừa trở về sau cuốc xe ôm cuối cùng trong ngày. Lúc này trong nhà đã có sẵn sáu người, một lúc sau thì có thêm hai vợ chồng bế một cháu nhỏ về nhà.
Tôi còn chưa hết ngạc nhiên thì ông Nghĩa nói tỉnh rụi: “Còn năm đứa nữa, đi làm chưa về!”.
Thật không thể tin rằng căn nhà 11 m2 của ông Nghĩa có thể chứa đến 14 người, gồm 10 người lớn và bốn đứa trẻ. Cũng như bao gia đình khác, ông Nghĩa phải cơi nới thêm một căn gác nhỏ, đủ để “lùa” hết một nửa vào ở. Nửa còn lại sẽ ngủ ở dưới nhà. Vậy mà trong sáu chiếc xe máy, ông Nghĩa vẫn cố gắng để thêm một chiếc trong nhà, năm chiếc còn lại phải để ở ngoài.
“Đường ở đây nhỏ lắm, kẻ trộm có lấy cũng không chạy nổi”, ông Nghĩa hài hước khi tôi hỏi ông để xe ở ngoài có sợ kẻ gian lấy mất không.
Đối với gia đình ông Nghĩa cũng như người dân trong khu Mả Lạng, giường ngủ có lẽ là một món đồ xa xỉ, không phải vì không đủ tiền mua giường mà vì nhà quá chật chội, không đủ chỗ để kê giường!
Ông Nghĩa tiết lộ “bí quyết” để sắp đủ chỗ ngủ cho cả nhà là “không có bí quyết gì cả, cứ xếp nhau lại như cá mòi, đầu người này giáp với chân người kia. Ở đây gia đình nào chả thế. Kệ. Ăn nhiều chứ ở thì hết bao nhiêu”, ông Nghĩa nói xuề xòa.
Kể về những bữa cơm gia đình, ông Nghĩa nói vợ ông cứ nấu sẵn cơm để đấy, ai về trước thì ăn trước, không thì mỗi người một tô bưng ra hẻm tìm chỗ ngồi ăn.
Mấy chục năm qua, chưa một lần gia đình ông Huỳnh Trung Nghĩa được ngồi cùng nhau bên mâm cơm vì nhà không đủ chỗ. |
“Sống từ nhỏ trong căn nhà này đến nay cũng mấy chục năm, chưa một lần cả gia đình tôi sum vầy cùng nhau bên mâm cơm vì chỗ đâu mà ngồi”, ông nói..
Chuyện tắm giặt của cả gia đình 14 người chỉ với một nhà vệ sinh nhỏ xíu thì mỗi người đều phải tranh thủ. Trẻ con đi học về tắm trước, người lớn đi làm về phải luân phiên nhau tắm, từ chiều đến tối rồi ai cũng đến lượt!
Đối với người dân trong khu Mả Lạng, ngôi nhà căn bản là một chỗ để về ngủ buổi tối, sáng dậy lại tản đi mỗi người một hướng. Họ sống chui rúc, chật chội “chỉ thở thôi cũng thấy mệt rồi” nhưng riết rồi cũng thành quen. Mà không quen thì cũng phải quen “vì không ở thì biết đi đâu, trong khi tiền kiếm được sau mỗi ngày lao động chỉ đủ để lo cơm nước.
Gần 30 năm chờ chỉnh trang Theo thống kê của UBND phường Nguyễn Cư Trinh, khu Mả Lạng khoảng 3 ha, hiện có khoảng 550 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu. Đặc thù của khu vực này là hẻm nhỏ, nhà nhỏ, vật liệu xây dựng bán kiên cố. Mỗi gia đình có trung bình từ bốn nhân khẩu trở lên và có nhiều thế hệ cùng chung sống trong một gia đình. UBND phường Nguyễn Cư Trinh cho biết trước năm 1975, khu dân cư này xen lẫn với nghĩa địa. Đến năm 1977, một số người dân khu vực này đi kinh tế mới theo chủ trương, nhưng sau đó quay trở về và tiếp tục dựng nhà trên khu đất bị cháy trước đây. Cũng theo thông tin từ phường Nguyễn Cư Trinh, giai đoạn năm 1997 đến 2003, khu vực Mả Lạng trở thành một trong những khu chợ ma túy nổi tiếng của cả nước. Giờ đây, ám ảnh về những “cái chết trắng” đã trở thành dĩ vãng trong tiềm thức của người dân nơi đây. Tuy nhiên, cái nghèo thì vẫn đeo bám dai dẳng cho đến tận bây giờ. Từ năm 2000, TP.HCM có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng và chỉnh trang khu vực này. Sau đó Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được chấp thuận thực hiện, nhưng dự án kéo dài mà vẫn không triển khai được. Từ năm 2007, TP.HCM tiếp tục chấp thuận cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, biến khu vực này thành một phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, dự án này đã “treo” 10 năm nay. Nguyên nhân là vướng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Đầu năm 2017, UBND TP.HCM có văn bản giao Sở TN&MT rà soát pháp lý, phối hợp với quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án. Đồng thời chỉ đạo quận 1 chủ trì, phối hợp với Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tổ chức điều tra khảo sát lập phương án tái định cư hoàn thành trong quý II/2017. |
(Theo PLO)