Lào Cai là “đầu cầu” của Việt Nam trong hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai- Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, về lâu dài sẽ kết nối kinh tế, văn hóa với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông và các quốc gia ASEAN. Cùng với phát triển kinh tế cửa khẩu là 2 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của địa phương.
Tỉnh có cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai - Hà Khẩu (qua cầu Hồ Kiều II), Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II (qua cầu Kim Thành) và cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu (qua cầu Hồ Kiều); ngoài ra còn có 2 cặp cửa khẩu phụ và 7 lối mở trên biên giới.
Chủ trương phát triển kinh tế cửa khẩu được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt từ năm 2000, năm 2001, khi Cầu đường bộ số 1 bắc qua sông Nậm Thi nối Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) thì hoạt động kinh tế cửa khẩu mới thực sự sôi động.
Năm 2019, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu đạt cao nhất với 3,8 tỷ USD; năm 2023 con số này giảm còn 1,159 tỷ USD; hiện mỗi ngày có 6 đến 7 nghìn lượt khách xuất - nhập cảnh qua các cửa khẩu. Song tỉnh phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt 4,5 tỷ USD và giá trị sản xuất công nghiệp đạt 52.200 tỷ đồng vào năm 2024 sắp tới.
Đến nay, tỉnh đã triển khai các khu, cụm công nghiệp bổ trợ cho Khu kinh tế cửa khẩu, đó là Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, Khu công nghiệp Đông Phố Mới, Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải và dành cả vùng thị xã Lào Cai cũ tạo điều kiện cho hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế cửa khẩu. Tại các khu công nghiệp, hạ tầng tiếp tục được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp các tuyến đường; trong đó nâng cấp và mở rộng đường từ Tỉnh lộ 151 qua Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng), đầu tư nạo vét hồ thải tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng...
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu và nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao nhưng sản xuất tại các khu công nghiệp và hoạt động xuất - nhập khẩu vẫn được duy trì, đạt kết quả quan trọng. Giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu đạt hơn 2,1 tỷ USD; hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp cũng đã đóng góp tỷ lệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh (đạt 42.564 tỷ đồng).
Tại khu kinh tế cửa khẩu có 8 công trình đầu tư hạ tầng với gần 95 tỷ đồng và đã hoàn thành đưa vào hoạt động; trình cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ nghiên cứu lập chủ trương đầu tư các dự án thực hiện trong những năm tiếp theo với 4 dự án có tổng mức đầu tư hơn 177 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích khoảng 15.929,8 ha. Dự báo đến năm 2040, quy mô dân số khoảng 90.000 người, trong đó lao động khoảng 45.000 người.
Mục tiêu hướng đến là xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai. Phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng một khu kinh tế năng động, phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới tại khu kinh tế trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành khu kinh tế động lực của Tỉnh và có tầm cỡ quốc tế, tỉnh Lào Cai đang nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực nhằm thu hút nhiều nguồn lực cho Khu kinh tế cửa khẩu bứt phá phát triển; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đối với các vùng kinh tế động lực, trung tâm để thúc đẩy liên kết giữa vùng kinh tế động lực với các vùng khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Với tầm nhìn đột phá và lối đi riêng, cùng nhiều giải pháp đồng bộ, kỳ vọng trong tương lai gần, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ là khu vực động lực của hành lang biên giới, là đầu mối trung chuyển hàng hóa của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN, Trung Quốc và châu Âu, là trung tâm logistics hiện đại của khu vực và quốc tế kết nối đồng bộ với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ...