Theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ Trưởng Bộ TN&MT, tình trạng các khu đô thị “xây rồi để đấy” chính là hệ quả của sự phát triển bất động sản gắn với chuyển đổi kinh tế.

Tình trạng các khu đô thị được xây dựng rồi lại “im lìm” không còn là hình ảnh xa lạ ở các thành phố và vùng đô thị tại Việt Nam. Nhiều căn biệt thự, nhà liền kề và những dãy nhà chung cư bị bỏ hoang vì không ai đến ở khiến cỏ dại mọc chằng chịt, sắt thép có chỗ hoen gỉ, tường bao xỉn màu.

Các dự án với hàng nghìn tỷ đồng bị bỏ mặc phơi nắng, phơi sương, thậm chí còn trở thành khu vực chăn thả vật nuôi của người dân sinh sống gần đó.

{keywords}
Ảnh minh họa

Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân ở Hà Nội cũng như ở các thành phố khác đều đang gặp khó khăn về chỗ ở. Theo Ngân hàng Thế giới, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 400.000 căn nhà để đáp ứng nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân. Vì thế, đối với nhiều người, những khu nhà được xây rồi bị bỏ hoang đã trở thành bức tranh không đẹp của Thủ đô và của các vùng đô thị trong nước. Quan trọng hơn, tình trạng đó còn gây lãng phí lớn.

Lý giải về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích: “Tình trạng xảy ra là hệ quả của quá trình Việt Nam phát triển bất động sản gắn với việc chuyển đổi cơ chế kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Chúng ta công nhận thị trường bất động sản trong nước hoạt động từ năm 1994 gắn với Nghị định 61. Đến năm 1998, các dự án đầu tư nhà ở phát triển rất mạnh. Trước đó, ở thời bao cấp giá đất là 0 đồng, nhưng đến khi kinh tế chuyển đổi, giá đất cũng biến đổi theo”.

“Về mặt pháp lý, nó kéo giá đất từ rất thấp lên rất cao và trong trường hợp bị lợi dụng theo hình thức đầu cơ sẽ gây ra hiện trạng tích tụ bong bóng. Điều đó đã diễn ra ở nước ta suốt từ năm 1994 đến gần cuối năm 2008. Ở giai đoạn ấy, các luồng vốn đầu tư trên thị trường đều quay vào thị trường bất động sản. Vào cuối năm 2008, tình trạng bất động sản ở Việt Nam trở nên nguội lạnh. Kho bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu khi đó đã khá lớn, Bộ Xây dựng ước tính là khoảng 100.000 tỷ đồng”, GS Đặng Hùng Võ cho biết.

Bên cạnh đó, đề cập thêm về việc các khu đô thị mới không ai đến ở, GS Đặng Hùng Võ nhận định: “Mặc dù đến nay, chúng ta đã giải tỏa được một nửa tình trạng này nhưng vẫn còn khó khăn trong việc giải quyết bởi nhiều căn nhà, biệt thự được xây dựng rồi bị bỏ hoang không gắn với hạ tầng, trong đó bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từ điện, nước tới dịch vụ chỗ ở... Các khu nhà mới này đáp ứng được cung nhưng không đáp ứng được cầu, đặc biệt nhiều khu được xây chưa phù hợp với đời sống của người dân. Hơn nữa, nhiều nơi có giá thành cao không phù hợp với thu nhập trung bình của người dân”.

Theo VTV