Đời sống của các hộ dân trong khu dân cư Chàng Riệc khởi sắc từng ngày
Tân Lập là xã biên giới nằm phía Tây Bắc huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), có đường biên giới dài 32,2km với 14 mốc chính, 51 mốc phụ và 16 cột dấu đặc trưng. Không những là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, mà Tân Lập còn có 2 cửa khẩu giao thương là Cửa khẩu quốc tế Xa Mát và Cửa khẩu Chàng Riệc. Dân số của xã là 3.080 hộ/10.922 nhân khẩu, được chia thành 5 ấp, trong đó có 2 ấp giáp biên giới với 7 dân tộc, chủ yếu là Kinh, Nùng, Thái, Hoa, Mường, Khmer và Tày.
Hơn 10 năm trước, UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt đầu tư dự án Khu dân cư (KDC) Chàng Riệc, giáp biên giới Vương quốc Campuchia, tổng diện tích 643ha với 500 căn nhà, mức đầu tư khoảng 23 tỷ đồng. Với mục tiêu là bố trí dân cư trên tuyến biên giới, phát huy lợi thế biên mậu và phát triển sản xuất, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đồng thời hộ trợ tái định cư cho các hộ nghèo, gia đình chính sách và các hộ khó khăn khác.
Mỗi hộ gia đình được bố trí vào khu dân cư được hỗ trợ nhà ở, 1000.m2 đất ở, 01 ha đất sản xuất và được vay vốn phát triển để sản xuất. Qua 10 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ấp Tân Khai luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng khu dân cư biên giới ngày càng phát triển. Hiện đã có 385 hộ với 1.452 khẩu, trong đó dân trong khu dân cư theo đề án 407 là 320 hộ.
Đến nay đời sống của các hộ dân trong khu dân cư Chàng Riệc đã ổn định. Đường giao thông được bê tông hóa; hệ thống thoát nước được xây dựng; hạ tầng điện được đầu tư đến từng hộ; 100% người dân được cấp nước sạch; chất lượng dạy và học ở các trường được nâng lên; 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Trường mẫu giáo đạt chuẩn phổ cập trẻ 5 tuổi, trường tiểu học đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.
Trạm y tế đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định, đảm bảo thực hiện tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trong ấp, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%. Trên 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa, ấp được công nhận ấp văn hóa 10 năm liền.
Những kết quả đạt được cho thấy từ khi triển khai thực hiện đề án 407 đến nay, việc xây dựng và phát triển khu dân cư Chàng Riệc bước đầu đã đạt được hiểu quả tích cực, đạt mục tiêu đề ra.
Tỷ lệ hộ khá giàu chiếm từ 30 đến 40%
Hiện nay, các hộ dân ở ấp Tân Khai đều yên tâm, phấn khởi bám trụ nơi biên giới này, xem đây như quê hương thứ hai của mình. Khu dân cư Chàng Riệc hôm nay đã mang một diện mạo mới.
Đặc biệt, ngày 30-9-2012 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định mở các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới của tỉnh, trong đó có cửa khẩu phụ Chàng Riệc.
Tiếp đó, ngày 31-12-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP, nâng cấp cửa khẩu phụ Chàng Riệc lên thành cửa khẩu chính.
Cửa khẩu Chàng Riệc cách tỉnh lộ 792 của huyện Tân Biên (Tây Ninh) khoảng 100 m, gần cột mốc biên giới số 110, tiếp giáp với cửa khẩu Đa, thuộc xã Đa, huyện Me Mot, tỉnh Tbung Khmum (Campuchia) và cách quốc lộ 7 của Campuchia khoảng 1km.
Nhờ nằm ở vị trí thuận lợi, cùng với được đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, nhà kiểm soát liên hợp cho các cơ quan chức năng làm việc, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cư dân biên giới hai bên giao lưu thương mại ngày càng phát triển.
Thuận lợi này đã kéo theo những thay đổi trong suy nghĩ và cách làm kinh tế của người dân. Theo thống kê, trong tổng số hơn 320 hộ của khu dân cư Chàng Riệc, đã có hơn 30% hộ dân hành nghề buôn bán kinh doanh, phát triển thương mại, dịch vụ…
Giao thương ngày càng sôi động. Các mặt hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Chàng Riệc chủ yếu là hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất như: đồ gia dụng, tạp hóa, trái cây, thức ăn gia súc, gia cầm, hàng tiểu thủ công nghiệp... Hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản, sắn lát, củ sắn tươi, đậu nành, ngô hạt, hạt điều, vừng, gỗ xẻ... Đời sống người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm từ 30 đến 40%, thu nhập bình quân đầu người ở ấp Tân Khai trên 76 triệu đồng người/năm, hộ nghèo theo tiêu chí mới không còn.