Điều tra không phức tạp, chỉ có muốn làm hay không

Theo TS Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp, cần phải đặt ra và trả lời câu hỏi: “Tại sao những thí sinh được nâng điểm chủ yếu lại là con em cán bộ, lãnh đạo chứ không rơi vào những trường hợp khác?”

Theo ông, hiện nay, khi được “nhắc tên”, các lãnh đạo đều khẳng định rằng: “Tôi không liên quan”, “Tôi không biết gì cả”; thậm chí là “Tôi rất buồn. Ai đó đã nâng điểm cho con tôi để tôi bị ảnh hưởng”. Do vậy, về mặt pháp luật vẫn cần phải tìm ra chứng cứ chứng minh những người này có liên quan hay không. Nếu có, việc tác động ấy là trực tiếp hay gián tiếp.

{keywords}

“Cần phải công khai, không có chuyện mập mờ “giải trình kín”, “xử kín”. Phải làm thế nào để xử lý đến nơi đến chốn, tránh tình trạng vẫn có “vùng cấm”, “vùng bao che”, đặc biệt với những phụ huynh là quan chức”, ông Thất nói.

Lấy dẫn chứng về trường hợp con của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh được nâng điểm, ông Thất cho rằng, trong trường hợp này, chính bản thân vị Bí thư phải có một thái độ nào đấy để những người cấp dưới có thẩm quyền trong vấn đề thi cử biết được và giúp đỡ.

“Tóm lại, đứng trước pháp luật không có sự phân biệt giữa cán bộ và dân thường. Ngay cả trong luật hình sự cũng chỉ quy định hành vi phạm tội chứ không hề quy định mức độ xử phạt riêng với cán bộ và dân thường.

Nhưng họ là người hiểu biết về pháp luật, thậm chí là người cầm cân nẩy mực nên không thể nói việc này là do vô ý mà chỉ có cố tình vi phạm. Do vậy, cần phải xử nặng gấp 10 dân thường”, ông Thất nhấn mạnh.

Cũng theo ông, trong sự việc này, đứng về mặt nghiệp vụ “không có gì phức tạp, khó khăn”. Nhiều vụ án phức tạp, tinh vi hơn, cơ quan điều tra vẫn “lần mò” ra dấu vết để bắt hết những kẻ phạm tội. Do vậy vụ việc này chỉ là “có muốn làm đến tận cùng hay không mà thôi”.

Xử gian lận thi cử không nghiêm, ra đời sẽ lại gian lận

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Theo ông Dĩnh, hiện cơ quan công an đã bắt những người tham gia trực tiếp nâng điểm tại các địa phương. Do vậy, cơ quan công an phải làm rõ từng trường hợp nâng điểm vì động cơ gì, vì thân quen hay vì tiền. 

{keywords}

Theo ông Dĩnh, vì những phụ huynh là cán bộ có con được nâng điểm đều từ chối liên quan nên hiện tại, các đơn vị nơi họ này công tác chưa thể kỷ luật. Nhưng khi đã có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, phụ huynh nào vi phạm hành chính phải xử lý hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự.

Ông Dĩnh chia sẻ cảm thấy rất buồn khi hàng loạt cán bộ các ngành tham gia vào gian lận thi cử. 

“Những đối tượng có con được nâng điểm là những phụ huynh có chức có quyền như cán bộ công an, tư pháp…, thậm chí cả giáo dục. Đáng lẽ, những người này phải làm gương trong việc tuân thủ pháp luật, nhưng chính họ lại làm mất công bằng trong xã hội, tước đi quyền lợi và cơ hội của những học sinh khác, đặc biệt những gia đình khó khăn khác trong xã hội” - ông nói.

Về xử lý những cán bộ đầu ngành giáo dục ở các địa phương có gian lận, khi hiện tại giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang đã nghỉ hưu, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La nghỉ phép, nhưng theo ông Dĩnh “rõ ràng trách nhiệm trước hết thuộc về Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh và Chủ tịch UBND các tỉnh. Do vậy, dù nghỉ phép hay về hưu vẫn phải xử lý tới nơi tới chốn”.

Nguyên một thứ trưởng Bộ Nội vụ khác thẳng thắn bày tỏ nếu không là nghiêm vụ việc này xã hội sẽ mất niềm tin. 

Theo ông, những phụ huynh bảo không liên quan, không biết con được nâng điểm là không có trách nhiệm. “Giáo dục là trách nhiệm của gia đình và nhà trường, các vị nói như vậy là chối bỏ trách nhiệm trong giáo dục con cái” - ông gay gắt.

“Gian lận trong thi cử, gian lận trong học đường rồi ra đời lại gian lận. Khi đã gian lận trong quan trường thì đất nước khốn khổ” - ông nói. 

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho rằng vụ việc diễn ra ở tỉnh nhà là một điều đáng buồn. Và còn đáng buồn hơn nữa nếu có sự tham gia của các cán bộ công chức tỉnh.

“Nếu thực sự có sự liên quan thì chuẩn mực của cán bộ công chức như vậy là rất xấu”, ông Sinh đánh giá.

Nói về cách thức xử lý, ông nói việc xử lý dù là cán bộ hay người dân bình thường cũng đều phải làm triệt để và không có sự loại trừ. Cần phải làm đến nơi đến chốn và căn cứ theo đúng quy định hiện hành.

“Cơ quan bảo vệ pháp luật phải chứng minh được những người đó có vi phạm hay không và vi phạm ở mức độ nào. Trên cơ sở đó mới bắt đầu đưa ra hình thức xử lý. Ví dụ nếu đưa tiền thì đó là hối lộ, còn nếu dùng quyền thì là lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Song song với đó, về phía Đảng cũng phải xử lý theo Điều lệ Đảng, về phía cơ quan quản lý cán bộ công chức cũng phải xử lý theo Luật cán bộ công chức và nhất định phải làm quyết liệt”, ông Sinh bảy tỏ.

Lê Huyền – Thúy Nga

5 nút thắt cần gỡ ngay sau bê bối thi cử chấn động

5 nút thắt cần gỡ ngay sau bê bối thi cử chấn động

-Bên cạnh yêu cầu xử lý nghiêm gian lận thi cử, cái gốc của vụ việc là xem xét kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục như thế nào.