Người Thái đặt chân đến Tây Bắc Việt Nam vào thế kỷ XI. Đến cuối thế kỷ XIII, người Thái đã khai phá Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), tạo lập cả một vùng đất miền Tây rộng lớn và cư trú ổn định.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển, người Thái đã tạo dựng cho mình một bản sắc văn hóa riêng với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội vô cùng phong phú, độc đáo, trong đó có nghệ thuật xòe Thái.

Trong tiếng Thái, “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. 

Không ai biết rõ nghệ thuật múa Xòe có từ bao giờ, chỉ biết từ xa xưa, người Thái Mường Lò đã có câu hát: “Không xòe không vui/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi”. Vì thế mà chẳng cuộc vui, ngày hội nào của người Thái vắng bóng những điệu xòe, dù là ngày vui nhỏ của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng.

Theo các nhà nghiên cứu, có hơn 30 điệu xòe được các thiếu nữ Thái múa trong tiếng trống xòe rộn rã, hay trong tiếng đàn tính tẩu dìu dặt, trầm bổng, như những cung bậc tâm hồn của những con người chân thành, mộc mạc, cởi mở mà không kém phần tinh tế, sang trọng.

Các thiếu nữ Thái uyển chuyển trong vũ điệu xòe

Trong đó, xòe vòng là vũ điệu phổ biến, là hình thức múa hát tập thể, được mọi người yêu thích, thường biểu diễn trong các dịp lễ hội của bản mường. Mường Lò được xem là đất tổ của người Thái đen Tây Bắc, chính vì thế, có thể coi đây là nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe.

Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí..., điệu xòe ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên.

Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời hơn. Người xem còn thấy được cuộc sống cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của người Thái từ thuở sơ khai. Tất cả những điều đó thấm vào lòng người một cách tự nhiên.

Trong mỗi điệu xòe lại biến hóa không ngừng, hài hòa giữa tay, chân, hình thể, khuôn mặt, kết hợp với nhạc cụ, làm tăng giá trị biểu cảm. Những nét tinh tế, điêu luyện trong từng bước vũ đã làm say lòng biết bao du khách. Điều đó nói lên sức sống mãnh liệt cùng nét đẹp tỏa ra từ mỗi điệu xòe.

Với những giá trị về tinh thần không thể phủ nhận qua thời gian, đến nay nghệ thuật Xòe Thái vẫn đang được duy trì và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa tới nhiều dân tộc khác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các Câu lạc bộ Xòe Thái từ những năm 1990 đến nay phát triển mạnh, năm 2019 tỉnh Yên Bái có khoảng 180 đội; Điện Biên có 1.273 đội; Lai Châu hơn 100 đội và Sơn La khoảng 1.700 đội, tạo nên một lực lượng hùng hậu trong việc trình diễn, trao truyền và sinh hoạt văn hóa.

Một số nghệ nhân dân gian và nhà nghiên cứu đã ghi chép và xuất bản tài liệu về quá trình sáng tạo, phát triển các điệu Xòe, cách thức Xòe, bối cảnh diễn xướng và những loại hình văn hóa liên quan. Các nghệ nhân và những thành viên cộng đồng am hiểu về Xòe Thái luôn chú trọng tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ bắt đầu từ các lớp mầm non, trường phổ thông, trường nghệ thuật...

Bên cạnh đó, Xòe Thái cũng được sự bảo trợ và hỗ trợ bằng pháp luật của Chính phủ Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013; các địa phương đã cam kết bảo vệ Xòe với các đề án và đưa Xòe vào trình diễn trong các ngày hội văn hóa dân tộc. Các CLB Xòe cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho việc tập luyện, mua nhạc cụ để hiện thực hóa thực hành một cách bài bản hơn. Việc thành lập các CLB dưới sự cho phép của chính quyền, các ban ngành liên quan thể hiện sự quyết tâm bảo tồn, lưu giữ và phát triển di sản văn hóa này.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương có nghệ thuật Xòe đều tổ chức múa Xòe trong các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương, lồng ghép chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Có như vậy, giữa không gian núi rừng, giữa những bản làng yên bình no ấm, các chàng trai, cô gái Thái tiếp tục lộng lẫy trong trang phục, uyển chuyển duyên dáng với điệu xoè làm đắm say bao du khách khi đến với các bản Mường.

Đức Yên, Bích Hạnh, Ngọc Quý, Ngọc Cương, Đỗ Khôi