- Luật sư Lê Quang Vy đã chia sẻ những thông tin về quyết định xử phạt MC Trấn Thành của Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM.
Trích đoạn cải lương mang tên Tô Ánh Nguyệt Remix có sự tham gia của Trấn Thành, Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu và Anh Đức được thu hình cho một chương trình ở nước ngoài đã khiến dư luận bức xúc. Ở dị bản này, Trấn Thành giả gái vào vai Tô Ánh Nguyệt cùng những lời thoại bị bóp méo, những hành đồng diễn xuất đôi lúc bị đánh giá là dung tục, không phù hợp với nội dung vở cải lương kinh điển của cố soạn giả Trần Hữu Trang.
Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM quyết định xử phạt diễn viên, MC Trấn Thành 32,5 triệu đồng, gồm các hành vi vi phạm: ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật mà không có giấy phép (phạt tiền 17.500.000 đồng), làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (phạt tiền 7.500.000 đồng), xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (phạt tiền: 7.500.000 đồng). Tổng cộng số tiền Trấn Thành phải nộp phạt là 32.500.000 đồng.
Trấn Thành trong trích đoạn Tô Ánh Nguyệt Remix. Ảnh: Chụp từ màn hình. |
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Quang Vy để tìm hiểu rõ thêm về việc xử phạt Trấn Thành cũng như việc cải biên, làm tác phẩm phái sinh theo luật hiện hành.
Là một trong những luật sư tham gia khá nhiều những vụ kiện liên quan tới nghệ sỹ, ca sỹ. Anh đánh giá thế nào về việc Trấn Thành bị phạt 32,5 triệu đồng vì diễn Tô Ánh Nguyệt phản cảm và có đồng tình về quyết định xử phạt?
Nghệ sĩ Trấn Thành bị phạt bởi ba hành vi. Trong đó có 2 hành vi liên quan dến vi phạm quyền tác giả và 1 hành vi liên quan đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật (ra nước ngoài biểu diễn không được phép).
Điều 8 nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định Đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật (Khoản1) và Đối tượng biểu diễn nghệ thuật (Khoản 2). Theo đó, nghị định 79/2012/NĐ-CP và nghị định 15/2016/NĐ-CP chỉ quy định thẩm quyền cấp phép cho các đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật khi ra nước ngoài chứ không quy định thẩm quyền cấp phép đối với đối tượng biểu diễn nghệ thuật. Điều này có nghĩa chỉ có đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật khi ra nước ngoài tổ chức biểu diễn mới phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước mà thôi.
Do vậy, không thể xử phạt nghệ sĩ Trấn Thành về hành vi ra nước ngoài biểu diễn không có giấy phép theo quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều 13 Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Đối với hai hành vi xâm phạm quyền tác giả, Thanh tra Sở VHTT xử phạt là đúng thẩm quyền trừ khi nghệ sĩ Trấn Thành chứng minh được người thừa kế hợp pháp của soạn giả Trần Hữu Trang cho phép .
Luật sư Lê Quang Vy. |
Ba hành vi vi phạm hành chính của Trấn Thành đã được chỉ rõ khi bị xử phạt, nhưng nhiều người bày tỏ ý kiến, hành vi vi phạm của Trấn Thành nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam thì không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng ở trong nước. Luật sư có ý kiến về việc này thế nào?
Đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, bất luận vi phạm ở không gian nào mà tác phẩm đó đang còn trong thời hạn bảo hộ, người bị xâm phạm (hoặc người thừa kế hợp pháp của người bị xâm phạm) đều có quyền khởi kiện. Ngoài ra, cá nhân hay tổ chức có thẩm quyền khi phát hiện hành vi xâm phạm đều có quyền lập biên bản và xử phạt hành chánh.
Luật sư có thể chia sẻ rõ hơn về việc cải biên, làm tác phẩm phái sinh theo luật hiện hành và quyền nhân thân cũng như quyền tác giả được quy định ra sao?
Làm tác phẩm phái sinh là một quyền tài sản của tác giả, chỉ có tác giả mới được quyền làm tác phẩm phái sinh trên chính tác phẩm gốc của mình. Các trường hợp khác làm tác phẩm phái sinh mà không được sự cho phép của tác giả đều là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Xin được nói thêm, theo Wikipedia, soạn giả Trần Hữu Trang mất vào ngày 1/10/1966. Như vậy sau ngày 1/10/2016 trở đi, các tác phẩm của ông sẽ trở thành tài sản của nhân loại. Theo đó mọi người được quyền sử dụng không phải trả tác quyền. Tuy nhiên người sử dụng không được vi phạm đến quyền nhân thân của tác giả.
Nghệ sĩ Trấn Thành sẽ thoát “án” xử phạt về hành vi "Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép chủ sở hữu tác phẩm" trong trường hợp nghệ sĩ Trấn Thành tạo ra tác phẩm phái sinh sau ngày 1/10/2016.
Luật sư đã từng chứng kiến hoặc nghiên cứu vụ việc nào tương tự và cách giải quyết khi đó ra sao và theo luật sư, giới hạn hay sự điều chỉnh nào là cần thiết cho sự sáng tạo của nghệ sĩ để không phản cảm, dung tục để tránh xảy ra sự việc này?
Quyền tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật là một quyền hiến định. Do đó mọi hành vi cản trở quyền sáng tạo nghệ thuật đều vi hiến. Tuy nhiên luật pháp cũng có giới hạn một số trường hợp nhất định như việc sáng tạo không được trái với đạo đức xã hội, thuần phòng mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, chống đối Nhà nước Việt Nam.
Do vậy, khi sáng tạo ra tác phẩm thì hơn ai hết chính người nghệ sĩ phải tự biết răn mình để không bị dư luận xã hội “ném đá”. Tôi nói vậy là vì luật pháp hiện hành chưa có một định nghĩa thế nào là thuần phòng mỹ tục hay thế nào là trái với truyền thồng văn hóa Việt Nam. Vì vậy, hơn ai hết chính người nghệ sĩ phải nhạy cảm và nhận thức được hiện thực xã hội để sáng tạo ra những tác phẩm cho phù hợp xã hội.
Bảo Hoàng