Bức xúc việc mặc phản cảm nơi đền chùa
Đi lễ chùa xin lộc đầu năm từ lâu đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt trong mỗi dịp đầu năm mới. Trong những ngày đầu năm mới, người ta đi chùa là để hướng con người nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện.
Người Việt cũng tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Chính vì thế người đi lễ ngoài lòng thành tâm, hướng phật còn phục sức giản dị, kín đáo thể hiện sự tôn trọng nơi linh thiêng.
Trang phục đẹp nhưng không phù hợp, dễ gây phản cảm nơi đền chùa (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, đâu đó người ta vẫn bắt gặp những hình ảnh người đi lễ ăn mặc chưa phù hợp, có phần phản cảm. Dù dư luận cũng như truyền thông phản ánh nhiều nhưng những hình ảnh gây nhức nhối vẫn tiếp tục tái diễn dịp đầu xuân này.
“ Vào nơi linh thiêng, tôn kính mà ăn mặc thế rất nhức mắt, phản cảm. Chị em phụ nữ ăn mặc thế thật thiếu hiểu biết”, độc giả Vũ Lý thể hiện sự bức xúc. Bạn Vũ Đình Hoàng thì gay gắt cho rằng, không thể chấp nhận các bạn trẻ ăn mặc nhố nhăng kiểu áo lưới, quần đùi (dù đi tất), áo 2 dây vào chùa đền, nhìn rất phản cảm…
Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng thì đền chùa là nơi đất Phật, linh thiêng, thanh tịnh vì thế người vào chùa phải có thái độ nghiêm túc. “Sách đã nói, vào đền chùa phải ăn mặc nghiêm túc, kín đáo. Người vào chùa phải giữ thân mình sạch sẽ, thơm tho, không sát sinh, hủ hóa…”, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng nói.
Ông cho rằng việc các bạn trẻ ăn mặc lòe loẹt, hở hang vào chùa là không phù hợp. Ông bày tỏ: “Dù trang phục có được họ coi là năng động, trẻ trung thì cũng không phù hợp với nơi linh thiêng”.
Mặc hở hang đi lễ chùa: Biến tướng đáng lo ngại?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng thực trạng đi lễ chùa hiện tại có rất nhiều điều để phàn nàn. “Bây giờ người ta đi chùa không phải để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, hướng về cõi thiện, cõi phật mà để ăn mặc sang trọng, khoe mẽ, mang tiền đến cài vào tay phật rồi thì cúng bái đồ xa xỉ, tốn kém. Đấy là biến tướng của việc đi chùa thời bây giờ, rất đáng lo ngại”, ông nói.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ăn mặc phải phù hợp với hoàn cảnh, không thể tùy tiện... (Ảnh: Nguyễn Hằng) |
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, nhiều người bị phê phán khi ăn mặc hở hang, lố lăng nơi đền chùa. “Đang có sự biến đổi về việc ăn mặc. Nhưng ăn mặc cũng phải tùy hoàn cảnh, môi trường. Không thể mặc bộ vest sang trọng để đi gánh đất, cũng không thể mặc cũn cỡn, ít vải trên người mà đi đền chùa, hướng về cõi phật”, ông Lê Văn Lan nhấn mạnh.
Cũng theo nhà sử học, việc ăn mặc rất dễ điều chỉnh nhưng nhiều người chưa điều chỉnh được việc đó là vì ý thức kém.
Xoay quanh ý thức của người dân đi lễ chùa, Tiến sĩ Vũ Việt Anh- chuyên gia giáo dục cho rằng cách ăn mặc, hành động thiếu ý thức là do các bạn trẻ chưa được giáo dục đúng đắn, kịp thời về “phần mềm” như kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử trong xã hội.
“Hiện nay, nhà trường vẫn là nơi chú trọng truyền đạt kiến thức, còn gia đình thì các ông bố bà mẹ quá bận với công việc, ít có thời gian chuyện trò, dạy dỗ con cái. Theo tôi, bố mẹ, gia đình là môi trường đầu tiên của mỗi cá thể. Tôi đã thực hiện chuyên đề “Tương lai con nằm trong tay bạn”, và đã đến lúc các bậc phụ huynh nên hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc định hướng, uốn nắn nhân cách con cái, không thể đổ lỗi tất cả cho hệ thống giáo dục”, Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói.
(Theo Dân Trí)
Sao Việt với áo lưới: Từ phá cách đến phản cảm
- Áo lưới là xu hướng thời trang gợi cảm, được tạo thành bởi kết cấu sợi đan vào nhau.