LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, người có nhiều kinh nghiệm với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong thời gian dài vừa qua nhân các góp ý cho hai luật này gần đây.

Tôi hoan nghênh các ý kiến đóng góp cho việc sửa Luật Doanh nghiệp/Luật Đầu tư trên Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường của Tuần Việt Nam/báo VietNamNet. Những ý kiến tâm huyết đó rất có ích cho  ban soạn thảo trong thời gian tới đây.

Tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ của cá nhân liên quan đến việc sửa đổi hai luật đầu tư và doanh nghiệp.  

Nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã tạo ra sự đột phá lớn trong đời sống kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sau những lần được sửa đổi năm 2005 và 2014, luật không tạo ra bước ngoặt như chúng ta kỳ vọng.

Vì vậy, tôi mong muốn lần sửa đổi này sẽ tạo ra bước đột phá, thay vì chỉ chỉnh sửa những vướng mắc hay rào cản kỹ thuật, để thổi bùng lên tinh thần kinh doanh của người dân. Việc dời lại thêm một kỳ họp để ban soạn thảo nghiên cứu kỹ càng hơn cũng là theo tinh thần đó.

{keywords}
Sửa Luật Doanh nghiệp cần tạo ra đột phá, thổi bùng lên tinh thần kinh doanh của người dân.

Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới cũng đã thay đổi đáng kể, nhiều nước trên thế giới đã chuyển đổi chính sách trong những lĩnh vực lớn về công nghệ, đất đai và dòng tiền. Chúng ta sửa các luật kinh tế, trong đó có doanh nghiệp và đầu tư, cũng phải theo những dòng đó.

Xây dựng Luật Doanh nghiệp cần có tư tưởng, tư duy mới tạo được đột phá. Tôi muốn bàn đến vấn đề đang gây tranh luận về việc đưa mô hình kinh tế hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp.

Trong các quá trình thảo luận, sửa đổi luật trước đây, vấn đề nâng cấp hộ gia đình lên thành doanh nghiệp cũng từng được đề cập, nhưng chưa chính muồi nên chưa đưa vào Luật.

Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ có một câu, hộ kinh doanh quy mô lớn thì đăng ký theo doanh nghiệp, hộ nhỏ thì giao cho Chính phủ hướng dẫn đăng ký, nhưng sau đó không có văn bản quy phạm nào đề cập. Đến lần sửa năm 2014 thì chỉ có quy định đăng ký hộ kinh doanh trong cấp nghị định.

Đến lần sửa thứ ba này, chúng ta cần xử lý vấn đề này. Quan điểm của tôi là đưa hộ kinh doanh vào luật. Tất cả các đơn vị kinh doanh trên đất nước này cần đăng kí theo luật. Hộ kinh doanh là một thực thể nên các quy định về quyền và nghĩa vụ của họ phải đưa vào luật, không quy định vào luật là không đúng.

Luật sẽ bảo vệ họ tốt hơn (cấp nghị định), giúp họ chuyên nghiệp hóa nhanh và hiệu quả hơn, giúp công khai, minh bạch nhiều điều để chi phí kinh doanh của họ giảm đi. Chúng ta cần nhớ là khu vực kinh tế hộ gia đình chiếm hơn 30% GDP mà chỉ đóng góp 1,5% vào ngân sách. Đưa mô hình kinh tế hộ gia đình vào luật là để giúp họ hoạt động thuận lợi hơn, thông thoáng hơn, chứ không phải bắt họ tuân thủ chi phí cao hơn, hay chịu các thủ tục rườm rà hơn.

Tôi biết, nhiều hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp vì lo ngại chế độ kế toán, kiểm tra phức tạp hơn, chi phí tuân thủ cao hơn… Chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ trưởng để có những nghiên cứu đánh giá tác động sâu hơn, xem xét gốc gác của các vấn đề liên quan.

Có quan điểm như trên thì sẽ thiết kế chính sách cho khu vực này tốt hơn, phù hợp hơn. 

Không nên đặt rủi ro cho Thủ tướng

Nhân đây, tôi muốn nói thêm về tinh thần sửa đổi Luật Đầu tư đang được nhiều người quan tâm.

Luật Đầu tư cần phải sửa đổi vì nó liên quan đến tranh tụng quốc tế trên nguyên tắc đơn giản thế này: anh là người có tiền đầu tư thì anh tự chịu trách nhiệm, tự quyết định dự án của mình; và anh chỉ xin Chính phủ những nội dung liên quan đến quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Luật Đầu tư hiện nay có quy định là Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, một khái niệm được lấy từ Luật Đầu tư công sang. Nếu đó là ngân sách Nhà nước thì quy định đó không sao. Vấn đề nằm ở chỗ, tiền đầu tư của tư nhân mà lại quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư là rất rủi ro cho Thủ tướng. Giả sử, dự án đổ bể thì chủ đầu tư có thể kiện Chính phủ vì đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Vì thế, cần bỏ ngay quy định đó trong lần sửa đổi luật tới đây.

Luật nên phân định rạch ròi quyền của Thủ tướng, của Chính phủ theo Hiến pháp trong các lĩnh vực như quy hoạch đất đai, di dân tái định cư, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường,… Ví dụ, Chính phủ công bố quy hoạch đất đai và ai thỏa mãn các điều kiện liên quan thì vào đầu tư. Điều này sẽ khác cơ chế hiện nay, đùng cái một dự án cụ thể nào đó, cả đầu tư trong nước và FDI, được trình lên cho Thủ tướng thì làm sao Thủ tướng và các bộ biết được hết những vấn đề bên trong của dự án mà phê duyệt. Mai mốt có vấn đề gì thì ai chịu trách nhiệm?

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư cần xử lý việc cấp phép đầu tư ra nước ngoài mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang quản lý. Theo tôi, giấy phép này không để làm gì. Thế giới quản lí đầu tư ra nước ngoài bằng 3 công cụ: danh mục công nghệ cấm, quản lí dòng tiền để cân đối ngoại tệ và thông tin cho thống kê và cho Chính phủ bảo vệ đầu tư. Trung Quốc cũng không cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Hiện nay, các cơ quan liên quan phải họp hành rất nhiều lần để thẩm tra, thẩm định những dự án đầu tư ra nước ngoài, trong số đó nhiều dự án không thuộc quyền của Chính phủ. Hơn nữa, hiện nay hệ thống ngân hàng biết ngay dòng tiền, dòng tiền đó sạch hay không, trong các dự án đầu tư ra nước ngoài. Ngân hàng mới biết dòng tiền chứ các cơ quan tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm sao biết được.

Vì thế, theo tôi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nên cấp giấy phép này nữa. Song doanh nghiệp phải đăng kí để đảm bảo tính chất thống kê, để Nhà nước bảo hộ phòng khi có chuyện rủi ro.

Một điểm nữa, Luật Đầu tư sửa đổi tới đây cần có các quy định, các bộ lọc nhằm hạn chế các loại đầu tư nước ngoài không được khuyến khích vào Việt Nam để trách cho đất nước thành bãi thải công nghệ, tránh tình trạng sử dụng đất tràn lan và các dự án tiêu tốn năng lượng.

Tôi nghĩ, còn nhiều việc phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi tới đây. Làm những việc này không hề vì lợi ích của bộ máy mà vì lợi ích của doanh nghiệp, của quốc gia. Cần phải rạch rồi giữa nhiệm vụ của nhà nước và thị trường.

Tư Giang, Lan Anh lược ghi

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: [email protected]