Việc không nắm vững kiến thức cơ bản đã làm cho cả đáp án trở thành một mớ lộn xộn. Và sự lộn xộn đó đã làm cho thí sinh hoang mang, người chấm khó chấm, gây hậu quả không nhỏ đối với việc phân định chất lượng tuyển sinh.

Có những nỗi đau cứ đến hẹn lại lên không thể nào chịu nổi: Trong đó, chuyện đề thi Sử, đáp án thi ĐH môn Sử hầu như năm nào cũng sai, là điều khó hiểu nhất.

Thử ngẫm mà xem: Những người ra đề, làm đáp án đều là cây đa cây đề. Họ có thừa thời gian, chẳng hề thiếu kiến thức (theo cách Bộ GD- ĐT nghĩ), chế độ đãi ngộ thì khỏi phải bàn, vậy mà đâu vẫn hoàn đấy là tại vì sao?

Tắc trách!

Trả lời phỏng vấn của VnExpress (16.7.2012), nhà giáo Nguyễn Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An đã phân tích rất chính xác những lỗi sai của đáp án.

Trong đó, dư luận và tất cả những người dạy chương trình Lịch sử Việt Nam hiện đại (lớp 12 và ĐH, CĐ) không thể chấp nhận trong câu hỏi 2, phần tác động chỉ có 0,5 điểm. Phần khái quát (phụ của "tác động" theo đề thi) lại có đến gấp 3 lần số điểm, tức 1,5 điểm(?)

Kỳ lạ hơn nữa là đáp án chỉ đòi thí sinh phân tích tác động tiêu cực trong khi tác động nhiều chiều là nguyên tắc của lịch sử cũng như của cuộc đời.

Đó là chưa nói, chính nhờ những tác động không tiêu cực của chương trình khai thác thuộc địa mà giai cấp công nhân mới có thể tăng nhanh đến như thế và mặt số lượng- chất lượng. Có thể nói rằng người làm đáp án không hiểu điều này tức là đã vấp phải cái sai lầm ấu trĩ nhất trong kiến thức cơ bản.

Việc không nắm vững kiến thức cơ bản đã làm cho cả đáp án trở thành một mớ lộn xộn. Và sự lộn xộn đó đã làm cho thí sinh hoang mang, người chấm khó chấm, gây hậu quả không nhỏ đối với việc phân định chất lượng tuyển sinh.

Chẳng hạn, đề thi (câu 3) xác định rõ mốc thời gian trong câu 2 "cuối tháng 3.1975" thì không thể bắt thí sinh trình bày đến Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng cuối tháng 12.1974.

Cũng tương tự (câu 4a), năm 1989, tại Hội nghị Malta, người đứng đầu 2 nước Mỹ và Liên Xô mới chỉ thỏa thuận các nguyên tắc của việc kết thúc chiến tranh lạnh chứ chiến tranh lạnh chưa kết thúc.

Lịch sử không thể có chuyện có "cái chết bất ngờ" (sudden death) như thế. Chỉ đến khi Liên Xô sụp đổ (25.12.1991) thì chiến tranh lạnh mới coi như kết thúc. Cũng tương tự, không thể coi phong trào đấu tranh của nhân dân Nhật Bản là một phần trong chính sách đối ngoại cuả chính phủ Nhật...

Việc không nắm vững kiến thức cơ bản đã làm cho cả đáp án trở thành một mớ lộn xộn. Ảnh minh họa

Sai mãi, do ai?

Câu hỏi đặt ra là chuyện đáp án sai như thế đã gây nên những hệ lụy nào và ai phải chịu trách nhiệm?

Từ năm 2005, trong loạt 20 bài viết về SGK môn sử (từ lớp 4 đến 12), đăng trên báo Lao Động với tiêu đề chung Lịch sử theo trang sách học trò, người viết bài đã phê phán hàng trăm cái sai nhưng chưa hề nhận được bất kỳ phản hồi chính thức nào.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã có sự điều chỉnh (không biết do đâu?) trong các lần tái bản của SGK. Kỳ thi ĐH năm 2006, trước những sai sót không thể chấp nhận của đề thi và đáp án môn sử, tôi đã viết bài Lịch sử bị biến thành đá và gạch vụn đăng trên báo Lao Động ngày 18/7/2006.

Năm 2007, 2008 vẫn cứ sai, cứ viết và thậm chí... tôi còn suýt bị kỷ luật. Ông Thứ trưởng Bành Tiến Long đã công văn yêu cầu ĐH Huế xét kỷ luật tôi vì đã phê phán nặng lời. Hiệu trưởng gọi tôi từ Vinh vào Huế (khi đó đang kỳ nghỉ hè), tôi trả lời: "Được thôi, nhưng trước hết phải kỷ luật tất cả những ai tham gia làm đề thi và đáp án"!

Câu chuyện về những cái sai của đề thi- đáp án môn Sử dừng lại ở đó...

Nêu lên vài ví dụ để thấy rằng dư luận (tôi chỉ là một trong hàng trăm người) đã cảnh báo mãi, cảnh báo hoài mà Bộ GD- ĐT không hề có động thái nào để chấm dứt tình trạng sai triền miên đó.

Cơ quan đứng ra ký hợp động "thuê" những ai làm đáp án phải chịu trách nhiệm trước sự việc đáng buồn này. Nếu chọn đúng người, có kiểm tra, kiểm soát chu đáo thì không thể có chuyện sai nhiều như thế.

Công việc tuyển sinh liên quan đến số phận của hàng vạn con người. Như một câu nói xưa "thiếu một phân thì gầy, thừa một phân thì béo". Thật đáng tiếc là trong chuyện tuyển sinh, chỉ cần nửa phân (nửa điểm) thôi thì cuộc đời đã là đỉnh cao hay vực sâu mất rồi...

Ai cũng hiểu rằng chỉ những người được Bộ GD-ĐT tin cậy thì mới được giao trọng trách soạn đề thi- đáp án. Việc có người đã từng sai bây giờ vẫn tiếp tục "có cơ hội để sai thêm" là điều khó hình dung về tính pháp lý và nguyên tắc giáo dục.

Phải chăng vì không có ai phải chịu trách nhiệm, sau khi sai chỉ kiểm điểm "nghiêm túc gọi là" nên mọi việc cứ được bình thường hóa- hoặc xuê xoa? Đây là cung cách làm việc đang diễn ra tràn lan mà Bộ GD- ĐT lẽ ra phải là cơ quan đi đầu trong việc giảm thiểu, chấm dứt sự tắc trách ấy.

Việc đề thi- đáp án mâu thuẫn, sai ngay cả trong đề, tất yếu gây nên những hệ lụy nghiêm trọng.

Thứ nhất, đề thi- đáp án phải tuân thủ nguyên tắc "mọi sai sót phải bằng không", vì nó liên quan đến "sinh mạng" của hàng vạn con người.

Thứ hai, một khi đáp án được điều chỉnh, ai đảm bảo "vết hằn kiến thức" không còn nữa trong tư duy người chấm thi, khi nhiều trường đã chấm thi sang ngày thứ ba, thứ tư?

Chắc chắn rằng trong quá trình làm quen với đáp mới (lại là môn khối C), sự lẫn lộn là không thể tránh khỏi. Ví dụ, ở ĐH Huế, mãi đến cuối giờ sáng 16/7 mới xóa đáp án cũ để học lại, làm lại (!)

Thứ ba, công sức, tiền của lãng phí cho việc chấm lại, ai phải chịu trách nhiệm?

Công việc tuyển sinh liên quan đến số phận của hàng vạn con người. Như một câu nói xưa "thiếu một phân thì gầy, thừa một phân thì béo". Thật đáng tiếc là trong chuyện tuyển sinh, chỉ cần nửa phân (nửa điểm) thôi thì cuộc đời đã là đỉnh cao hay vực sâu mất rồi...

Hà Văn Thịnh