Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho rằng, các lễ hội 'nóng' như Phù Ninh, Hải Lựu và Đồ Sơn không có phương án thay đổi cách thức tổ chức và quản lý sẽ tạm dừng.
Sáng 20/4 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 dưới sự điều hành của Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ.
Theo báo cáo từ Cục Văn hóa cơ sở, các hoạt động lễ hội đầu năm diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ lễ hội có quy mô cấp tỉnh, huyện đến các lễ hội phạm vi làng, xã... được tổ chức trang nghiêm, thành kính, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân.
Các lễ hội mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp hoa tre.
Bộ VHTTDL thống nhất chỉ có 3 lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Lựu, Phù Ninh |
Dù vậy, vẫn còn tồn tại những hạn chế mùa lễ hội 2018 mà các đơn vị cần phải khắc phục.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục văn hoá Cơ sở cho biết năm nào bà cũng tham gia vào Lễ hội cướp Phết Hiền Quan (Phú Thọ) và nhận thấy tình hình "vỡ trận" đánh nhau là có xảy ra.
"Tại sao không thay đổi thời gian cướp phết. Tại sao cứ phải 15h, trong khi thanh niên làng uống rượu cả buổi sáng đến chiều lao vào cướp phết? Tại sao chúng ta không tuyên truyền cho dân hiểu quả chúi (phết) mang ý nghĩa rủi ro, cần vứt bỏ đi để người dân không lao vào tranh cướp. Nếu không có đề án thay đổi thì không bao giờ thay đổi được tình trạng tranh cướp, đánh nhau.
Công tác bố trí và sắp xếp dịch vụ cực kỳ lộn xộn. Công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, buôn bán trong khuôn viên cũng lộn xộn không kém. Nhất thiết phải có đề án, phải thông qua Bộ để xem xét. Nếu không có phải tạm dừng hội này, bằng không phải quay về với phương thức tổ chức ngày xưa đó là đánh phết", bà Hương nói.
Tuy nhiên đại diện Phú Thọ lại cho rằng lễ hội này không đáng ngại về mặt trật tự, báo chí chưa phản ảnh đúng bản chất của lễ hội.
Dù địa phương có biện minh nhưng Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đồng tình với ý kiến cần phải thay đổi từ cướp phết quay về với đánh phết. Cần xây dựng vài ba phương án để lựa chọn, đặc biệt đảm bảo về an ninh.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cũng nhận định, một số điểm 'nóng' đang đòi hỏi địa phương, các cơ quan quản lý phải nghiên cứ thay đổi cách thức tổ chức như với lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Lễ hội Chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ), Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng)…
Bộ VHTTDL thống nhất chỉ có 3 lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Lựu, Phù Ninh. Với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, yêu cầu Sở VHTT Hải Phòng sớm trình Bộ đề án tổ chức lễ hội theo đúng tiến độ. Với Lễ hội chọi trâu Phù Ninh và Hải Lựu, Thứ trưởng yêu cầu địa phương rà soát, kiểm tra lại các tư liệu làm rõ giá trị của hai lễ hội này. Nếu có giá trị văn hóa truyền thống thì sẽ có đề án tổ chức. Nếu không cũng báo cáo Bộ đề có phương thức quản lý phù hợp.
Tình Lê
Bộ Văn hóa yêu cầu báo cáo về sự hỗn loạn của lễ hội cướp Phết
Bộ VHTTDL yêu cầu Ban tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ) báo cáo những thuận lợi cũng như hạn chế về Lễ hội này trước ngày 20/3.
Hỗn chiến cướp phết: Trăm thanh niên giẫm đạp lên nhau
Dù Ban tổ chức hạn chế số lượng người đánh phết mỗi đội 100 người, nhưng hàng trăm thanh niên ùn ùn phá rào lao vào cướp phết.
Bộ Văn hoá đề nghị chấn chỉnh cướp phết Hiền Quan
Ngay sau khi Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) vỡ trận chiều 12 tháng Giêng tức 27/2, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ ký công văn khẩn số 691 ngày 28/2 gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị chấn chỉnh.