Hiện nay, việc sử dụng người giúp việc gia đình đang có xu hướng gia tăng. Đây cũng là một trong những đối tượng được pháp luật lao động bảo vệ.
Khoản 2 Điều 163 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) đã quy định rất rõ một trong những nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng người giúp việc gia đình:
Theo đó, chủ nhà sẽ không phải trực tiếp đi mua BHYT cho người giúp việc tại cơ quan bảo hiểm nhưng phải trả tiền khoản tiền đóng BHYT để người giúp việc tự mình đi mua BHYT.
Quy định này được cụ thể hóa tại khoản 3 Điều 148 BLLĐ năm 2019 như sau:
Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Không tham gia BHXH, BHYT cho người giúp việc gia đình sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng. Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, tại Điều 18 Quyết định 595/2017/QĐ-BHXH, mức đóng BHYT hàng tháng đối với người tham gia BHXH bắt buộc là 4,5% mức tiền lương tháng đóng BHXH: Người sử dụng lao động đóng 3%, người lao động đóng 1,5%.
Như vậy, mỗi tháng, ngoài lương, chủ nhà còn phải trả thêm cho người giúp việc 3% tiền lương của tháng đó để họ tự tham gia BHYT.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; theo đó, quy định người sử dụng lao động sẽ bị phạt cảnh cáo khi: Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Đáng chú ý, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi của “người lao động làm công việc giúp việc nhà” (lao động giúp việc gia đình). Cụ thể, Điều 29 - Vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng nếu không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm. Biện pháp khắc phục hậu quả “đính kèm” là “buộc trả đủ tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc gia đình”.
Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng cũng áp dụng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình; sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người lao động cao tuổi.
Bên cạnh đó, phạt tiền 2-5 triệu đồng nếu không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định hoặc không rút ngắn thời gian làm việc với người lao động trong năm cuối trước khi nghỉ hưu; phạt tiền lên đến 10-20 triệu đồng nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về nghỉ hàng tuần, năm hoặc nghỉ lễ, tết; phạt tiền 20-25 triệu đồng nếu huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của họ.
Bài: Đỗ Thị Thanh Bình
Ảnh: Đỗ Thúy Hạnh