Tại phiên thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn sáng 1/11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân khẳng định, cần tách nội dung dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung riêng, bởi đây là hoạt động đặc thù.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TB&XH Lê Quân thảo luận Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn
Lý giải về việc cần tập trung sâu vào mảng dạy nghề, việc làm gắn với giảm nghèo, Thứ trưởng Quân đã nêu ra 3 lý do.
Thứ nhất, về vấn đề nguồn nhân lực, hiện có khoảng 8 triệu đồng bào là lực lượng lao động, chiếm khoảng 14- 15% lực lượng lao động toàn quốc. Tuy nhiên, tại các vùng này chủ yếu lao động thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp, chỉ khoảng 6%, thấp bằng khoảng 1/3 mức chung toàn quốc. Lao động chủ yếu được đào tạo ngắn hạn, việc làm có rủi ro cao, năng suất lao động, thu nhập thấp và thiếu ổn định.
Vì vậy, nếu không giải quyết tốt công tác dạy nghề và việc làm cho đồng bào thì vấn đề an sinh sau này sẽ gặp phải những vấn rất lớn, rất khó khăn phải giải quyết.
Thứ hai, hiện nay đang xuất hiện tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận việc làm. Việt Nam đang già hóa dân số và khan hiếm nhân lực lao động phổ thông. Nhiều doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động trong các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nên họ có xu hướng tìm đến tuyển dụng thanh niên tại các vùng miền núi và các vùng đồng bào dân tộc.
“Không khó để chúng ta tìm thấy ở công trình xây dựng tại các thành phố lớn có rất nhiều thanh niên đồng bào dân tộc hiện nay đang làm việc”, Thứ trưởng nói.
Vấn đề thứ ba theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH đề án cũng có nói đến, nhưng còn chưa sâu, đó là vấn đề di dân.
Hiện nay thị trường lao động phát triển, vấn đề di dân giữa các vùng khó khăn với các thành phố lớn hiện là vấn đề đang diễn ra.
"Nếu chúng ta không làm tốt được vấn đề này sẽ dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực, vừa gắn với rất nhiều vấn đề xã hội nhưng cũng không cung ứng nhân lực được cho các doanh nghiệp, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm”, ông Quân nói.
Theo Thứ trưởng, tỉ lệ di dân hiện nay chưa có tính chủ động. “Một mặt chúng ta phải làm rõ khu vực nào cần phải giữ dân để đảm bảo mục tiêu an ninh, quốc phòng, nhưng một mặt 8 triệu lao động đó phải có chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước.
Hay như muốn giảm nghèo thì phải tạo việc làm, sinh kế tại chỗ, nhưng mặt khác là phải đưa dân ra khỏi các vùng lõi nghèo, nhất là thanh niên để họ có việc làm, có thu nhập. Bởi, một người có thu nhập tốt thì một hộ gia đình mới có khả năng thoát nghèo”.
Từ những lý do trên, Thứ trưởng Quân đề xuất cần tách nội dung về dạy nghề, tạo việc làm cho dân tộc thiểu số là một nội dung riêng, vì đây là một hoạt động rất đặc thù.
Ông Quân đưa ra dẫn chứng cho điều này: “Chúng tôi thí điểm mấy năm nay với một số trường, ví dụ như trường Cao đẳng Lào Cai, Trường cao đẳng TKV và một số trường Cao đẳng Kon Tum... việc tuyển sinh diễn ra rất tốt.
Điển hình như trường Cao đẳng Lào Cai năm nay sau khi cấu trúc lại tuyển được gần 5.000, trong đó 3.500 học sinh là đồng bào dân tộc. Với chính sách của Nhà nước hiện nay các cháu đến học rất đông và có việc làm”.
Một trường hợp khác là Công ty Than khoáng sản hiện nay mỗi năm tuyển dụng khoảng 1.500 lao động. Trong 5 năm qua, công ty này đã tuyển được gần 8.000 chỉ tiêu với chi phí đào tạo khoảng 30 triệu/ em. Đến khi đi làm các em đều có thu nhập từ tốt 12-18 triệu.
“Như vậy khi làm đồng bộ chính sách thì sẽ giải quyết được vấn đề đào tạo tại chỗ gắn với sinh kế và phát triển. Nhưng cũng phải nhìn nhận một chính sách gắn đào tạo để làm sao cung ứng nhân lực và gắn với dịch chuyển lao động, khi đó chúng ta mới giải quyết được bài toán thoát nghèo trong ngắn hạn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, trong dài hạn, khi các khu vực kinh tế này tăng trưởng, phát triển tốt lên chúng ta sẽ điều chỉnh các chính sách cho phù hợp.
Trường Giang
“Tuyển dụng 50 nhân viên thì có tới 49 sinh viên trường nghề trúng tuyển”
-“Đào tạo nghề tại Việt Nam đã đến lúc phải hướng tới thực hiện song song 2 “nhà trường”. Một nhà trường gắn với giảng đường, nhưng một nhà trường thứ hai cũng quan trọng không kém, đó chính là doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải là một trường nghề”.