- Đường sắt, đường thủy ta không tận dụng mà cứ để vận tải hàng hóa bằng đường bộ, xe container chen nhau với các phương tiện khác trên cao tốc, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Phan Thanh Bình nói.
Trình dự thảo luật Đường sắt sửa đổi trước UB Thường vụ QH hôm nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết thị phần đường sắt liên tục giảm trong giai đoạn qua.
"Năm 2014-2015, vận tải hành khách đạt 11,2 triệu lượt, vận tải hàng hoá chỉ chiếm thị phần 0,39-0,4%. Sau 130 năm kể từ khi người Pháp bắt đầu xây đường sắt, giờ ta chỉ còn 3.141km đường sắt, trong đó có 612km trong ga, tức là trên tuyến chính chỉ có 2.542 km", ông cho biết.
Ngoài sức cạnh tranh hạn chế, kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác cũng giảm. Trước kia có nhiều đường sắt nối vào các cảng nhưng nay chỉ còn 3 điểm kết nối là cảng Hải Phòng, cảng Việt Trì và một cảng ở Ninh Bình.
Hướng nâng cao sức cạnh tranh, theo Thứ trưởng GTVT, đó là Nhà nước chỉ nên đầu tư hạ tầng và bảo trì đường sắt, còn hoạt động vận tải nên để tư nhân làm. Nhưng ông Nguyễn Ngọc Đông cũng thừa nhận năng lực của các doanh nghiệp bên ngoài còn hạn chế, một số chỉ mới đóng được toa xe, khai thác bãi hàng.
"Thực tế chưa có tuyến đường sắt nào tư nhân đầu tư, kể cả kêu gọi đầu tư hay cho thuê. Tất cả 3.143km đường sắt đang giao cho Tổng công ty đường sắt VN quản lý và khai thác. Hướng tới có một số đoạn tuyến ngắn chủ yếu phục vụ du lịch thì muốn lập đề án cho thuê hay nhượng quyền khai thác trong một thời gian nhất định", Thứ trưởng cho biết.
Ảnh: Quochoi.vn |
Thảo luận vấn đề này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga chia sẻ nhận định đường sắt chậm phát triển nhất trong các loại hình giao thông. Bà chỉ ra những bất cập trong quản lý, kinh doanh đường sắt.
"Trên thế giới có tuyến tàu hỏa nào còn xả thẳng phế thải ra đường ray như ở VN không? Cần đổi mới mang tính đột phá để đường sắt phát triển", bà Nga nói.
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng sốt ruột khi đường sắt chậm phát triển. Theo ông, vấn đề không nằm ở luật mà ở nhận thức.
"Người Pháp từ xưa và trên thế giới hiện nay, vận tải hàng hóa vẫn ưu tiên đường sắt, đường thủy. Trong khi đó, ta lại đầu tư quá nhiều vào hàng không và đường bộ, để xe container chen chúc trên đường cao tốc", ông Phan Thanh Bình nói. "Lần sửa đổi này, ta cũng phải nghĩ đến kết nối mạng giao thông quốc tế, để hội nhập, kêu gọi đầu tư".
Chủ tịch HĐ Dân tộc Hà Ngọc Chiến kiến nghị mở rộng phát triển đường sắt về phía các tỉnh miền núi, vì ở đó hầu như chỉ có đường bộ, trong khi với điều kiện công nghệ và khoa học hiện nay, việc làm đường sắt lên miền núi không còn khó khăn. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đồng tình: "Sao không tính đưa đường sắt lên Tây Nguyên, nơi có lượng hàng hoá rất lớn, nhu cầu vận tải để phát triển kinh tế xã hội rất cao?".
Tiếp tục nghiên cứu đường sắt cao tốc
Trước một số ý kiến băn khoăn về đường sắt cao tốc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Năm 2010 Chính phủ đã trình QH đề án này nhưng bị bác, yêu cầu cập nhật và làm rõ một số nội dung, đặc biệt là hiệu quả dự án, liệu trình đầu tư và phương án huy động nguồn lực, trong đó nói rõ phần nào của nhà nước, phần nào tư nhân có thể tham gia.
Chính phủ đã giao Bộ GTVT tiếp tục cập nhật nghiên cứu tiền khả thi. Gần đây, Bộ mới báo cáo Chính phủ kiến nghị về lộ trình, phấn đấu năm 2018 sẽ trình để Chính phủ thẩm định lại, nếu thông qua được thì trình QH, phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2020 và chuẩn bị tiền đề để xây dựng đoạn thí điểm, đoạn ưu tiên sau năm 2020.
"Hiện Hàn Quốc đang nghiên cứu 2 đoạn Hà Nội-Vinh, TP.HCM-Cần Thơ. Theo lộ trình dự kiến của Bộ GTVT, phù hợp với quy hoạch chiến lược được Thủ tướng phê duyệt, ta xây dựng đến 2050 cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao", ông Nguyễn Ngọc Đông nói.
"Từ giờ đến 2020 xây dựng chủ trương, sau 2020 xây dựng tuyến thí điểm từ Sài Gòn đi Long Thành, sau đó làm tiếp đoạn ưu tiên Hà Nội-Vinh, TP.HCM-Cần Thơ. Ngoài 2030 sẽ nối dần các đoạn còn lại từ Hà Nội vào Đà Nẵng, từ TP.HCM ra Đà Nẵng".
Hôm nay, UB Thường vụ QH cũng cho ý kiến vào dự án luật Thủy lợi, tập trung vào việc chuyển từ “thuỷ lợi phí” sang “giá dịch vụ thuỷ lợi”. Nhìn chung nhất trí quan điểm này, UB Thường vụ QH yêu cầu quy định rõ về chủ thể cung cấp dịch vụ được thu tiền, các loại hình dịch vụ thuỷ lợi; bổ sung các loại dịch vụ về kiểm soát lũ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, khu dân cư tập trung, tiêu thoát nước chống úng ngập... tránh chồng chéo hoặc bỏ sót, tránh tình trạng "lãi thuộc về tôi, còn lỗ và sửa chữa thuộc về Nhà nước”. |
Chung Hoàng