Hiện nay, người dân vẫn có tâm lý sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã để làm thuốc chữa bệnh từ xương khớp tới các bệnh về sinh lý ở nam giới. Thực chất, đây là quan niệm sai lầm và làm suy thoái loài động vật quý tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Học viện Ngân hàng phối hợp với tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam), các loài động vật hoang dã tại Việt Nam đang có sự suy giảm và nạn săn bắt là các mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại nhiều loài động vật quý hiếm.
Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm từ hổ, tê tê, sừng tê giác. Đồng thời, nước ta cũng trở thành điểm trung chuyển sang các thị trường khác, bao gồm Trung Quốc.
Hiện nay, y học cổ truyền có vai trò nhất định trong hệ thống khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trao đổi với báo VietNamNet, PGS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, theo quy định của Nghị định 06 Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, các hành vi sử dụng động vật hoang dã làm thuốc đều bị nghiêm cấm. Các hoạt động kê đơn thuốc đông y có sử dụng động vật hoang dã nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Trước đó, nhiều lương y có sử dụng và kê đơn từ động vật hoang dã như sừng Tê giác, vẩy Tê tê và các sản phẩm từ hổ. Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết hiện trạng này đã không còn. Một số trường hợp sử dụng chui, lén lút theo truyền miệng sẽ khó quản lý. Ông Thịnh khẳng định y học cổ truyền có nhiều phương pháp hỗ trợ trị bệnh không cần dùng động vật hoang dã như những đồn thổi trong dân gian.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Hoa Lý, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), trước đây một nghiên cứu của tổ chức Traffic (một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu với mục tiêu thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững thông qua việc tập trung giám sát các hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã) cho thấy cứ, 4 thầy thuốc đông y có 1 người từng kê đơn có thành phần từ động vật hoang dã.
Tuy nhiên, ngành y dược cổ truyền hướng tới sử dụng những nguồn dược liệu hợp pháp, an toàn góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học và các giống loài động vật hoang dã trên toàn thế giới cũng như chặn đứng hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Vấn nạn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã có thể gây ra những hệ luỵ tiêu cực đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Liên Hợp Quốc ước tính hàng năm thế giới thất thoát khoảng 48 - 153 tỷ USD do nạn buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu mỗi năm. Số tiền này bao gồm các chi phí gây thiệt hại cho nhà nước và an ninh công cộng, như chi phí phòng vệ, chi phí liên quan đến vận hành hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật, tổng thiệt hại về sinh thái, tài sản bị đánh cắp...