Sáng 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, một trong những nội dung lớn được quy định tại dự thảo Luật là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp quy định từ Điều 25 đến Điều 32.

BoTaichinh.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. Ảnh: QH

Cụ thể, Điều 25, dự thảo Luật quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư công.

Các dự án của doanh nghiệp phải phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không thuộc đối tượng theo quy định Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công thì được thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của luật này.

Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy định về pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Chưa thực sự phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng, quy định này “chưa thực sự phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, vẫn can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp”.

Một số quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp được quy định tại dự thảo Luật cũng chưa thống nhất với quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các quy định để tránh chồng chéo về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Trường hợp đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh thông thường bằng vốn của doanh nghiệp thì nên xem xét, phân cấp cho hội đồng thành viên quyết định và chịu trách nhiệm. Trình tự thủ tục cụ thể có thể giao Chính phủ quy định chi tiết.

Trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn ngân sách cấp thì giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

nguyenkhacdinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo Luật để thể hiện nhất quán tư tưởng Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, tư tưởng nhất quán là "Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp".

"Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp. Thế mà cái gì cũng phải đi xin, doanh nghiệp phải làm thủ tục thì mất thời cơ, cơ hội kinh doanh”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ông Định cho rằng, quy định như Điều 25 của dự thảo Luật thì doanh nghiệp không thể làm được gì. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân làm hiệu quả vì họ tiết kiệm thời gian, đơn giản thủ tục, giảm được chi phí xin chỗ nọ, chỗ kia.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật chưa cắt giảm được nhiều thủ tục, chưa phân cấp, phân quyền nhiều. Vì vậy, cần phải chỉnh lý theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin - cho, tăng cường phân cấp, phân quyền. 

Nếu không phân cấp, phân quyền, cái gì cũng phải trình cấp trên thì không làm được. Quy định của Điều 25 thì doanh nghiệp phải trình, xin nhiều việc, từ chiến lược, phương hướng đến kế hoạch.

"Rất nhiều vấn đề phải trình, phải đi xin nhưng doanh nghiệp lại phải chịu trách nhiệm toàn diện. Cái gì cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được? Doanh nghiệp còn phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, bảo đảm phù hợp với chiến lược, kế hoạch kinh doanh", ông Định phân tích.

Không được đầu tư vốn kinh doanh bất động sản?

Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận là quy định tại khoản 2, Điều 27 của dự thảo Luật, đó là doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình nên cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư, rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp thực tế. Bởi vì có nhiều trường hợp doanh nghiệp nhà nước sau khi cơ cấu, sắp xếp lại dư ra các văn phòng, trụ sở nhưng lại không được cho thuê.

Họ muốn cho thuê số văn phòng, trụ sở dư thừa sẽ phải có trong dự án đầu tư, được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, quyết định. Việc này dẫn tới sự lãng phí nên cần phải rà soát lại.

thuongvuQH.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu vấn đề, cần rà soát lại xem quy định tại dự thảo Luật đã đảm bảo đồng bộ với các luật khác (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng), xử lý dứt điểm những vướng mắc trong thực tế của các doanh nghiệp nhà nước hay chưa.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa luật lần này cần tách bạch rõ chức năng của các bộ, ngành quản lý doanh nghiệp nhà nước, tránh việc “chỗ này tưởng chỗ kia quản”, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 8 chương, 62 điều, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8 tới đây.