Tuyên bố được Nhật Bản đưa ra đầu tuần này đánh dấu một "bước lùi" trong mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa hai nước. Động thái này khiến chính quyền Seoul tìm cách trả đũa và khiến nhiều nhà sản xuất chip đối mặt với việc thiếu nguồn cung tạm thời.

Từ ngày 4/7, các nhà cung ứng Nhật Bản phải được chính phủ cấp phép trước khi xuất khẩu 3 loại hóa chất quan trọng của ngành bán dẫn sang Hàn Quốc. Quá trình xem xét có thể mất đến 3 tháng, trong khi các nhà sản xuất chip Hàn Quốc thường chỉ dự trữ linh kiện và nguyên liệu đủ dùng trong 1-2 tháng.

Khong phai My - Trung, day moi la cuoc chien bop chet nganh cong nghe hinh anh 1
Chính phủ Nhật Bản mới đây ra lệnh kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ảnh: Nikkei Asia.

Ảnh hưởng trực tiếp tới chuỗi cung linh kiện toàn cầu

Một nguồn tin từ hãng chip SK Hynix cho biết họ không có đủ hàng dự trữ cho 3 tháng sắp tới, và sẽ phải ngừng dây chuyền sản xuất nếu không thể mua các nguyên liệu cần thiết từ Nhật Bản trong thời gian này. Hãng chip hàng đầu Samsung cũng đang đánh giá tình hình và không bình luận gì thêm.

Tác động từ lệnh "cấm vận" của Nhật Bản có thể lan rộng ra khắp thế giới khi Hàn Quốc chiếm 70% thị phần thị trường bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) và 50% thị phần bộ nhớ flash NAND. Samsung cũng đang dẫn đầu thị trường chip về doanh thu, trong khi SK Hynix đứng thứ ba.

Tất cả smartphone, máy tính đều cần những con chip nhớ. Chip nhớ của SK Hynix và Samsung được sử dụng trong các thiết bị như iPhone của Apple, điện thoại Huawei, máy tính HP, Lenovo và kể cả TV Sony, Panasonic...

Đại diện một hãng điện tử lớn của Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm có thể gây tác dụng ngược. "Nếu nguồn cung bộ nhớ của Hàn Quốc bị thiếu, việc sản xuất iPhone gặp trục trặc sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp linh kiện của chúng tôi", Nikkei dẫn lời của người này.

Khong phai My - Trung, day moi la cuoc chien bop chet nganh cong nghe hinh anh 2
Việc Nhật Bản cấm xuất khẩu hóa chất sẽ làm ảnh hưởng tới sản xuất của những hãng chip lớn nhất thế giới như SK Hynix hay Samsung. Ảnh: SK Hynix.

Các công ty Nhật Bản ít tiếng tăm đang nắm thị phần rất lớn trong 3 loại nguyên liệu bị hạn chế xuất khẩu. Polyimide được sử dụng để chế tạo màn hình OLED dẻo, 2 nguyên liệu còn lại thì dùng cho việc sản xuất bảng mạch, gồm điện trở (dạng chất phủ) và etching gas (chất chống ăn mòn dưới dạng khí).

Những công ty nổi bật nhất trong lĩnh vực này là JSR, Showa Denko và Shin-Etsu Chemical, tất cả đều có sở hữu ít nhất 1/3 vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tranh cãi về "thương mại tự do và công bằng"

Nhật Bản đang lên kế hoạch loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi "danh sách cho phép" về xuất khẩu vào tháng 8, gồm 27 quốc gia trong đó có Mỹ, Đức và Pháp. Sau khi Hàn Quốc bị loại khỏi danh sách, mọi giao dịch mặt hàng dùng cho mục đích quân sự phải được chính phủ phê duyệt. Hiện chưa có quốc gia nào bị loại khỏi danh sách.

Nhật Bản viện lý do mối quan hệ với Hàn Quốc xấu đi để ban hành lệnh kiểm soát. Vụ việc dường như liên quan đến tranh chấp kéo dài về việc Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường do sử dụng lao động người Hàn Quốc trong thời chiến.

Lệnh kiểm soát cũng được đưa ra sau khi chính quyền Nhật tăng cường kiểm soát một số loại hải sản của Hàn Quốc từ tháng 6 để trả đũa việc hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản năm 2011.

"Thật khó để quản lý hàng hóa xuất khẩu dựa trên mối quan hệ tin tưởng với Hàn Quốc", Phó chánh văn phòng Nhật Bản Yasutoshi Nishimura chia sẻ.

Khong phai My - Trung, day moi la cuoc chien bop chet nganh cong nghe hinh anh 3
Lệnh kiểm soát được cho là đi ngược với thông điệp của Nhật Bản tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Al Jazeera.

Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei-young đã gặp Đại sứ Nhật Bản Yasumasa Nakamine để yêu cầu gỡ bỏ lệnh cấm. Ông bày tỏ mối lo ngại về tác động của nó với ngành công nghiệp và quan hệ song phương Nhật - Hàn, lập luận rằng quyết định này đi ngược với chủ trương "thương mại tự do và công bằng" mà Nhật Bản đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tuần trước.

Ông Cho nói rằng chính phủ sẽ làm việc với doanh nghiệp để tìm các biện pháp đối phó. Bộ Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc cũng sẽ đáp trả bằng "các biện pháp phù hợp", bao gồm nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Chúng tôi sẽ biến chuyện này thành cơ hội nâng cao năng lực công nghệ Hàn Quốc", Bộ trưởng Công nghiệp Sung Yun-mo khẳng định.

Giới chuyên gia đang có nhiều ý khiến khác nhau về việc quy định mới có phù hợp với quy tắc của WTO hay không. "Đây là lĩnh vực mà Nhật Bản có thể tự quyết định và không vi phạm bất cứ điều nào", Keisuke Hanyuda, đối tác của Deloitte Tohmatsu Consulting Nhật Bản, cho biết.

Dù vậy thì ông Yuka Fukunaga, Giáo sư đại học Waseda, cho rằng lệnh kiểm soát của Nhật Bản có thể rơi vào "vùng xám" và vi phạm các thỏa thuận của WTO.

Sau lệnh cấm vận của Mỹ vào Huawei, Samsung sẽ được hưởng lợi? Tập đoàn Samsung được xem là một trong những công ty sẽ hưởng lợi lớn nhất sau lệnh cấm vận của Mỹ vào Huawei. Tuy nhiên, Samsung nên cẩn trọng vì đây có thể là "con dao 2 lưỡi".