- “Không nhận được tiền từ con tôi, chồng tôi chửi tôi rồi đuổi hết các con ra khỏi nhà. Ông ấy bảo: “Chúng mày cút ra khỏi nhà tao, đất nhà tao tao ở, chúng mày đi làm không mang tiền về lại còn còn xui mẹ mày bỏ tao à. Cút, cút hết!”, chị Nguyễn Thị Nh. chia sẻ.

Không có tiền nộp là bị đánh

Chị Nguyễn Thị Nh. ở Bắc Ninh thường xuyên bị chồng bạo hành, đánh đập mỗi lần không có tiền đưa cho chồng. Ở tuổi tứ tuần, chị phải viết đơn ly dị người chồng vũ phu để được đoàn tụ với con cái

Chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng mô hình dịch vụ cho người bị bạo lực giới tại Việt Nam” do GBVNet và tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) điều phối hoạt động, chị Nh. cho biết cách đây 28 năm, chị lập gia đình với người chồng hiện tại và sinh được ba người con, trai có, gái có. Cuộc sống gia đình được một thời gian yên ấm, hạnh phúc. Một thời gian sau, chồng chị đi làm không mang tiền về lại còn hay “vòi” lại tiền từ vợ và con cái để đi ăn cỗ. Khi không có thì đánh đập vợ, đuổi con.

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Nh, 51 tuổi, ở Bắc Ninh chia sẻ câu chuyện của gia đình mình. Ảnh H.Thúy

Chị Nh. kể: “Thời gian đầu mới lấy nhau tôi không bị ông ấy đánh đập, bạo lực như bây giờ. Hồi trước ông ấy làm nghề than thì thi thoảng có tiền mang về cho vợ con. Sau đó khi ông ấy đi làm không có tiền tôi vẫn cố vay mượn đưa cho ông ấy 30-50 nghìn tiêu tạm. Tôi hỏi thì ông ấy bảo mưa gió khó khăn, không có tiền".

Rồi chị kể tiếp: “Không có tiền đưa về đã đành ông ấy còn đòi con nộp tiền. Sau khi không nhận được khoản tiền nào từ các con, ông ấy  quay ra chửi tôi rồi đuổi hết các con ra khỏi nhà. Ông ấy bảo “Chúng mày cút ra khỏi nhà tao, đất nhà tao tao ở, chúng mày đi làm không mang tiền về lại còn còn xui mẹ mày bỏ tao à. Cút, cút hết!”.

“Sau khi bị chửi, đánh, tôi nói với ông ấy là tôi lấy ông, ông lấy tôi để làm ăn, dạy con cái chứ không phải lấy về để hành hung, đánh đập vợ, rồi đuổi con đuổi cái ra bơ vơ ngoài xã hội như thế. Thế nhưng ông không nghe, ông ấy bảo: “Tao lấy vợ về tao cần vợ chứ không cần con”, chị Nh chua xót kể.

Chỉ mong mẹ con sum họp

Chị Nh. cho hay, những lần ông ấy đánh xong ông ấy cũng ăn năn: “Tao nóng thì đánh mà đánh xong thì tao thôi”. Lúc đó tôi âm thầm chịu đựng cố ở để các con có mẹ, có bố. Nhưng, bây giờ điều đó đã quá sức rồi, tôi không thể sống được cùng ông ấy nữa. Đi làm về mệt mỏi đến lả người tôi cũng bị ông ấy lôi dậy đòi tiền đi ăn cỗ, khi không có thì mắng, chửi.

{keywords}
Rất nhiều phụ nữ hàng ngày vẫn bị chồng bạo hành mà chưa có lối thoát. Ảnh minh họa

Tôi nhớ lần đầu tiên bị đánh là do xích mích chuyện cày cấy. Ông ấy hằm hằm kéo tôi lại rồi dùng gậy to quật thẳng vào người tôi khiến chân tôi tím ngắt. Các con tôi thấy vậy vội chạy sang nhà ông bà cầu cứu vì sợ bố giết chết mẹ. Đêm hôm đó mẹ chồng tôi phải ngủ lại để can, sợ tôi lại tiếp tục bị đánh. Rồi những lần đánh tiếp theo tôi bị túm tóc, tôi bị kéo quật xuống sân rơm không khác gì con vật.

Rồi chị Nh tâm sự: “Tôi đi lấy chồng, tài sản lớn nhất của tôi là những đứa con. Tôi dù có bị đánh cũng cố chịu nhưng bây giờ con tôi bị đuổi, đánh không nơi nương tựa thì tôi còn ở trong cái nhà ấy làm gì nữa. Đẻ con ra không nuôi được con, không che chở được cho chúng nó tôi khổ tâm lắm. Vì vậy lần này tôi quyết tâm ly hôn để mẹ con được sum họp”.

Đầu năm vừa rồi tôi đã tìm đến hội phụ nữ để được trợ giúp. Ở đó tôi được tư vấn, hướng dẫn cách phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, hội phụ nữ cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc tác động đến chính quyền để xử lý vụ việc của tôi.

Hỏi về mong muốn lớn nhất của chị ngay lúc này, chị nói: “Tôi chỉ mong tòa án giải quyết sớm để tôi có chỗ ở ổn định và con tôi không bị ông ấy đuổi đi sống vật vờ ngoài xã hội nữa”.

Hạnh Thúy