Phát triển và hoàn thiện dần trong tiến trình đổi mới
Ngày 02-9-1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân thủ đô thuộc đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời nói bất hủ, mở đầu cho Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người luôn hòa quyện với nhau và luôn nhất quán trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của Người. Con đường cách mạng mà Người đã chọn, cuộc cách mạng mà Người lãnh đạo, những chủ trương, chính sách mà Người đề ra và cả những việc làm rất cụ thể của Người, tất thảy đều nhằm bảo vệ con người.
Nhận thức và quan điểm về quyền con người đã được Đảng, Nhà nước ta phát triển và hoàn thiện dần trong tiến trình đổi mới. Đại hội IX (năm 2001) của Đảng khẳng định: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”.
Ngoài các văn kiện trên, Nghị quyết các Đại hội của Đảng và trực tiếp là các Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg, ngày 2/12/2004, của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X,… cũng đã thể hiện sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng ta về vấn đề quyền con người.
Có thể nói, mỗi Hiến pháp đều ghi nhận cốt lõi những điều khoản về Nhân quyền trong Hiến pháp. Thế nhưng, qua mỗi giai đoạn các bản Hiến pháp đã bộc lộ những thiếu sót mà các nhà lập pháp chưa dự liệu được để Hiến pháp trở nên phù hợp với thực tiễn. Để khắc phục những thiếu sót đó, Hiến pháp 2013 ra đời, trong đó quy định về nhân quyền được coi là điểm sáng trong bản Hiến pháp này.
Tính từ năm 2014 đến hết tháng 11/2019, QH đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 100 văn bản Luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp 2013. Trong số đó có những Luật cơ bản, quan trọng như: Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật Trưng cầu dân ý 2015, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, Luật Trẻ em 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật An ninh mạng 2018, Luật Đặc xá 2018,… Trong năm 2019, QH tiếp tục thông qua nhiều Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: Luật Thi hành án hình sự, Bộ Luật lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam,…
Việc hoàn thiện khung pháp luật về quyền con người, quyền công dân nói trên đã phản ánh đúng bản chất của chế độ ta, đó là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tăng cường cơ chế dân chủ, công khai để mọi cá nhân trong xã hội đều có thể tham gia xây dựng, quản lý xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý để các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của mọi tầng lớp Nhân dân.
Thực tiễn thực thi nhân quyền của Việt Nam
Đến nay có thể khẳng định Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và vững chắc về nhân quyền. Điều đó không chỉ thể hiện ở những nổ lực của chúng ta trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà còn được thể hiện ở việc bảo đảm quyền còn người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trên lĩnh vực bảo đảm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, kết quả nổi bật trong năm 2019 là tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực. Phát huy tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình đổi mới, sáng tạo; ước cả năm có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trong 9 tháng đầu năm đạt trên 3 triệu tỷ đồng. Tập trung chỉ đạo, củng cố và phát triển khu vực kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; đến nay có gần 24 nghìn hợp tác xã kiểu mới với đa số hoạt động hiệu quả.
Trong năm 2019, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5% (còn khoảng 3,73 - 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trên lĩnh vực giáo dục, cho đến nay đã có 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Bình đẳng giới là một trong những chỉ số về quyền con người quan trọng. Cho đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021), tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội đạt 26,71%, cao hơn mức trung bình thế giới là 22,3%; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đạt hơn 27,8%. Trên lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa. Cho đến năm 2018, Việt Nam có thêm 11 di tích và 29 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xếp hạng.
Trên lĩnh vực quan hệ quốc tế về quyền con người, Nhà nước ta đã thể hiện nhất quán là một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng Quốc tế, trong đó có Hội đồng nhân quyền. Việt Nam từng được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (Nhiệm kỳ 2014-2016).
Bạch Hân, Ánh Tuyết, Ngọc Dũng