Các chuyên gia của Qualcomm cho rằng, nhà mạng nên duy trì mức cước 4G tương đương với 3G như trong giai đoạn thử nghiệm hiện nay và không nên tăng cước, bởi sau khi triển khai chính thức, doanh thu trên từng thuê bao sẽ tăng lên.
Khuyến nghị này được ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương đưa ra bên lề Hội thảo "Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật" do Bộ TT&TT bảo trợ ngày 18/8.
Thử nghiệm thành công
Trước đó, khi được yêu cầu nhận định về giai đoạn thử nghiệm 4G của ba nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone, vị chuyên gia này cho rằng các gói cước được áp dụng trong giai đoạn thử nghiệm 4G không có sự chênh lệch với 3G. "Đây là một điểm rất tích cực vì có thể giúp kích cầu và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng 4G tại Việt Nam, song điều các nhà mạng cần nhớ là khi triển khai 4G chính thức thì doanh thu trên từng thuê bao sẽ tăng lên. Nếu như với 3G, nhà mạng chỉ cung cấp gói cước 3GB là nhiều lắm rồi, thì với 4G, họ có thể mạnh dạn xây dựng gói cước 10GB, 15GB. Vì thế, không nhất thiết phải tăng cước 4G lên mà vẫn có thể tăng được doanh thu nhờ 4G", ông Nam phân tích.
Nhận xét chung, đại diện Qualcomm cho rằng 3 nhà mạng đã cơ bản thử nghiệm thành công. Công nghệ được lựa chọn để thử nghiệm hợp lý, tốc độ cao (đều dùng công nghệ LTE-CA, phủ sóng mang). Đặc biệt, băng tần phù hợp xu hướng phát triển của 4G LTE trên thế giới: băng tần 1800 MHz và 2600 MHz là hai băng tần phổ cập nhất trong triển khai 4G hiện nay, gộp hai băng tần này cũng là một kết hợp rất phổ biến ở các nước. Chính vì băng tần phổ biến nên các thiết bị đầu cuối hỗ trợ rất thuận lợi. "Việc thử nghiệm thương mại thành công là một bước rất quan trọng để nhà mạng triển khai diện rộng chính thức và báo cáo Bộ TT&TT", ông Nam nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến nghị sau khi triển khai chính thức, nhà mạng không nên tăng cước 4G so với giai đoạn thử nghiệm. |
Trước đó, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Chính sách và chiến lược của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết sau khi 3 nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone báo cáo kết quả thử nghiệm 4G cùng các phương án triển khai kinh doanh dự kiến, Bộ sẽ xem xét, đánh giá và tiến hành cấp phép. Hiện Viettel đang thử nghiệm ở hai băng tần 1800 và 2600 MHz tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, trong khi VNPT thử nghiệm ở TP.HCM, Kiên Giang; MobiFone thử nghiệm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM trên cùng băng tần.
"Bộ mong muốn quản lý quan hệ "win-win" giữa Doanh nghiệp và người dùng, hài hòa giữa giá thành của nhà mạng với quyền lợi của người dùng", đại diện Cục Viễn thông cho hay.
Đủ chín muồi để cấp phép 4G trong tháng 9
Chia sẻ về thời điểm cấp phép 4G chính thức tại Việt Nam, ông Tuấn Anh cho biết Bộ sẽ tiến hành cấp phép trong tháng 9, tức là chỉ còn khoảng một tháng nữa tính từ thời điểm này. "Thời điểm triển khai thường phụ thuộc nguồn lực, thị trường, độ phủ dụng của công nghệ, thiết bị, các tiêu chuẩn được chuẩn hóa, đồng bộ. Tại Việt Nam, năm 2016 đã được Chính phủ xác định là thời điểm chín muồi, chúng ta áp dụng được công nghệ 4G LTE mới nhất, không như các nước cấp phép cách đây nửa năm cho đến một năm".
Đã chín muồi để cấp phép trong tháng 9 |
Bình luận về câu chuyện thời điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phân tích: "Việt Nam đang triển khai sớm hay muộn, tôi nghĩ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, thị trường sẽ có câu trả lời khác nhau. Nhưng có thể căn cứ vào một số tiêu chí để xác định. Chẳng hạn như tiêu chuẩn ITU công nhận - đây là tiêu chí rất quan trọng vì nó liên quan đến băng tần - thì ITU đã công nhận các chuẩn 4G cách đây 4 năm. Về thiết bị đầu cuối, tỷ lệ phổ cập smartphone 4G trên thế giới trong năm 2016 đã đạt 12%. Trên lý thuyết thì chỉ cần 10% là đã có thể triển khai 4G được rồi. Trong công tác quy hoạch, Bộ TT&TT đã làm rất tốt. Các băng tần 2300, 2600 và 1800 đều đã sẵn sàng dành cho doanh nghiệp triển khai 4G. Giá thiết bị 4G hiện cũng rất đa dạng, cao cấp thì có iPhone, Samsung Galaxy, rẻ hơn cỡ 100-200 USD cũng có". Tổng hợp tất cả những điều kiện này thì có thể kết luận, 2016 là thời điểm chín muồi để Việt Nam triển khai 4G và không nên để lâu hơn nữa.
Trong khi đó, các chuyên gia đến từ Qualcomm cho rằng, Việt Nam đang triển khai 4G chậm hơn một số nước trong khu vực, nhưng bù lại, lại có lợi thế của người đi sau. "Một số nước đi trước hiện vẫn chưa phủ sóng được toàn quốc. Việt Nam thì đang có sự chín muồi của thị trường, của thiết bị đầu cuối. Cái lợi của Việt Nam là có thể đi ngay lên công nghệ 4G Advanced, là công nghệ hiện đại nhất bây giờ, ưu việt hơn", ông Thiều Phương Nam phân tích.
Là nước đi sau, các nhà mạng VN có thể ứng dụng ngay công nghệ LTE Advanced. |
"Chúng ta cấp phép 4G có thể không sớm, nhưng chúng ta vẫn có thể triển khai nhanh và hiệu quả", ông Nam hy vọng.
Quy mô thị trường phải phù hợp
Với kinh nghiệm lâu năm của một nhà quản lý kỳ cựu, am hiểu thị trường, hoạt động quản lý nhà nước và kinh nghiệm quốc tế, nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã đưa ra những khuyến nghị tâm huyết cho Bộ TT&TT trong giai đoạn chuẩn bị cấp phép 4G chính thức.
"Băng tần cấp phép cần có quy mô hợp lý. Nếu ta phân nhỏ quá thì không đáp ứng được nhu cầu phát triển, mở rộng của doanh nghiệp viễn thông về sau. Nhưng nếu cấp tần số rộng quá thì lại dẫn đến nguy cơ tích tụ tài nguyên vào tay một số ít nhà mạng lớn, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường".
Các gói cước 4G cần phù hợp với đặc trưng rất ít thoại của công nghệ này. |
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng kiến nghị về số lượng giấy phép cấp ra. "Cấp nhiều quá thì dẫn đến cạnh tranh quá mức. Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp viễn thông của VN hiện nay vẫn là DN có vốn Nhà nước thì việc cạnh tranh lẫn nhau như vậy chỉ gây hại cho lợi ích chung của Nhà nước. Nhưng nếu ít quá thì lại ít cạnh tranh, giá cước cao, độc quyền, chất lượng dịch vụ không có động lực để cải tiến". Theo vị chuyên gia này thì trên thế giới, con số phổ biến là từ 3-5 nhà mạng và cơ cấu thị trường Việt Nam đang rất phù hợp.
Tuy vậy, ông Thắng cho rằng để thị trường viễn thông thực sự phát triển bền vững, cơ hội 4G thực sự phát huy được hết hiệu quả, Chính phủ cần tạo điều kiện cho DN mới tham gia thị trường. Bên cạnh đó, các danh nghiệp cần xây dựng được gói cước phù hợp với đặc trưng của 4G là rất ít thoại. "3G còn có tỷ trọng thoại lớn chứ 4G thì thoại rất ít, thậm chí không cần thoại. Do đó các gói cước cần kết hợp dữ liệu với thoại theo hướng chỉ tính tiền dữ liệu, miễn phí thoại thì sẽ khuyến khích được người dùng sử dụng".
Trọng Cầm