Ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, nhận chức Phó tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn sáng ngày 4/6/2019, thì ngay buổi chiều cùng ngày ông nộp đơn xin từ chức.
Ở nước ngoài, chuyện một quan chức có vị trí cao hay thấp từ chức là bình thường, nhưng ở Việt Nam, từ chức là chuyện vừa hiếm vừa lạ, làm cho công luận rất quan tâm.
Năm 2017, khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND Quận 1, ông Hải đã “ra tay” trực tiếp lập lại trật tự, vỉa hè trong Quận, hành động gây tranh luận nhiều chiều trong con mắt của người dân.
Song với tôi, ông Đoàn Ngọc Hải là hình mẫu của một cán bộ cương trực, tận tụy, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại va chạm và ở góc độ nào đó, ông đã giúp lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Ông đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi.
Không có chuyên môn, ông Hải sẽ làm gì trên cương vị phó giám đốc doanh nghiệp? |
Từ chiến dịch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè của ông Hải, một dạo phong trào “giành lại vỉa hè” đã lan tỏa tới nhiều quận huyện khác của TP. Hồ Chí Minh cùng một số địa phương khác trong cả nước. Chuyện của ông còn được trao đổi trong cuộc họp báo của Chính phủ.
Tuy nhiên ngày 8/1/2018, ông Hải bất ngờ gửi đơn xin từ chức Phó chủ tịch Quận, vì "không thực hiện được lời hứa trước nhân dân". Ông cho rằng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, vì đụng đến lợi ích to lớn hàng nghìn tỷ đồng của chủ các bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... " và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó".
Sau đó, ông Hải xin rút đơn từ chức vì "nhận được nhiều động viên, an ủi, kỳ vọng và sự thuyết phục của các cấp lãnh đạo". Ông đã suy nghĩ kỹ và mong muốn được tiếp tục cống hiến, sẵn sàng làm việc ở những nơi khó khăn, nguy hiểm... và nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được phân công.
Trong đơn, ông cho hay, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lúc còn làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã từng nói với ông, rằng công tác chấn chỉnh trật tự đô thị trên vỉa hè là “chú làm đúng và rất dũng cảm”. Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng nhận xét ông Hải là một cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
“Điều làm tôi trăn trở là nếu rất đúng, rất dũng cảm như vậy, tại sao lại điều chuyển tôi tới Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn mặc dù tôi không có bằng cấp liên quan đến ngành xây dựng, kiến trúc, kỹ sư xây dựng…”, ông bày tỏ băn khoăn trong lá đơn từ chức.
Ông cũng tiết lộ trong lần tổ chức trao đổi với ông về vị trí làm việc trước đó, ông được dự kiến điều chuyển về làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Vàng bạc đá quý TPHCM (SJC) rồi Phó trưởng Ban An toàn thực phẩm, mặc dù ông Hải không được đào tạo ngành y, sinh hóa.
“Những lần điều động như thế này đã làm tổn thương đến cá nhân tôi. Đây là trăn trở nhất đối với tôi trong cuộc đời này. Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có “máu mặt” và kết quả đối với cá nhân tôi ngày hôm nay là như vậy,” ông viết.
Đánh giá việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng “đảng viên phải chấp hành quyết định của tổ chức, nếu không thì phải bị xem xét” và “Không chấp hành quyết định của tổ chức thì nhất định phải xem xét xử lý, ...” Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh bổ sung thêm: “Trong một chừng mực nào đó, ứng xử đó thiếu tôn trọng tổ chức, thiếu tôn trọng bản thân mình.”
Sự việc của ông Hải và những nhận xét ngược chiều của các quan chức làm người viết bài không khỏi suy tư về công tác cán bộ.
Ông Hải buổi sáng nhận chức, buổi chiều từ chức cho thấy, ông rất tôn trọng tổ chức và tôn trọng chính bản thân mình. Khi tổ chức giao nhiệm vụ thì ông vẫn nhận nhưng do nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn và sở trường của bản thân thì buộc ông phải từ chức.
Tôi thấy đánh giá sau đây của ông thật thẳng thắn và trách nhiệm: “Nếu tôi miễn cưỡng phải nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết, thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nên tôi quyết định nộp đơn từ chức…”.
Làm kinh doanh đương nhiên phải có kỹ năng kinh doanh, tài quản lý kinh doanh, thậm chí là thiên chức kinh doanh đâu dễ gì mà một công chức như ông Hải có được? Nếu ông cứ nhận, rồi “lỡ” tiêu đi hàng bao nhiêu tiền, thì trước hết “tiền” đó của ai?
Như vậy ông không chỉ tôn trọng tổ chức, tôn trọng bản thân mình mà còn là người có trách nhiệm với tổ chức chứ không như đánh giá “ứng xử thiếu tôn trọng tổ chức, thiếu tôn trọng bản thân mình”.
Nếu có những quan chức nào đó “thiếu tôn trọng tổ chức, thiếu tôn trọng bản thân mình” thì trước hết đó là những vị không dám nhận trách nhiệm, không chịu từ chức khi để xảy ra, thậm chí can dự vào vụ Thủ Thiêm, làm biết bao người dân mất nhà, mất đất tức tưởi, mòn mỏi khiếu kiện hơn 20 năm nay.
Việc phân công của tổ chức từnglà “quân lệnh như sơn” trong thời chiến, và đó là quy định đúng trong hoàn cảnh đất nước rất khác. Tuy nhiên, chúng ta đã sống trong thời bình được mấy thập kỷ, cách đánh giá cán bộ qua việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức không thể theo mệnh lệnh thời chiến và tư duy giáo điều, mà cần đánh giá qua vị trí công việc đó và năng lực của cán bộ.
Tôi đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về vụ ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức: “cơ chế trong việc sắp xếp cán bộ có vấn đề”. “Chuẩn mực duy nhất với một con người là làm sao cho người ta phát huy được mặt tốt đẹp, sở trường nhất của họ, chuyên môn của họ”. “Từ chức là quyền cá nhân nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa coi đó là quyền được thể hiện trong luật pháp, mà vẫn coi là sự từ bỏ, né tránh nhiệm vụ”.
Nguyễn Huy Viện