Liên quan đến việc Bộ GD-ĐT sẽ xem xét lại việc miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ bằng IELTS, nhiều ý kiến độc giả gửi về VietNamNet ủng hộ Bộ cần nhìn nhận đúng đắn về chức năng, ý nghĩa thực sự của loại chứng chỉ này. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng ưu tiên chứng chỉ IELTS trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học là đúng đắn.

''Học IELTS tốn công sức, tiền bạc, miễn thi là đúng đắn”

Gửi ý kiến về VietNamNet, độc giả Lâm Ngọc Giàu cho rằng hiện nay nhiều trường đại học trên thế giới coi IELTS là một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn sinh viên. Cho nên, loại chứng chỉ này có thể đánh giá được đúng khả năng tiếng Anh của người học, phù hợp để thay thế cho môn thi Ngoại ngữ.

Không chỉ thi tốt nghiệp, việc các trường đại học Việt Nam ưu tiên chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh cũng xuất phát từ yêu cầu giảng dạy và yêu cầu trình độ sinh viên tốt nghiệp.

“Một sinh viên có điểm IELTS cao chắc chắn phải có quá trình học tập nghiêm túc, chăm chỉ. Do đó, việc được ưu tiên hơn những thí sinh không có chứng chỉ là điều hợp lý”.

Một độc giả khác cũng đồng tình học IELTS vốn tốn công sức, tiền bạc, phải vất vả “cày cuốc” mới nhận được kết quả cao, do đó miễn thi là đúng đắn.

“Tiếng Anh hiện nay vô cùng quan trọng và là ngôn ngữ chung của toàn thế giới. Giờ đây, nhiều chương trình chất lượng cao dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do đó cần IELTS tối thiểu 5.0 trở lên là yêu cầu bắt buộc”, người này viết.

Độc giả Đăng Khoa cũng cùng chung nhận định. Anh cho rằng miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ với những học sinh có điểm IELTS cao là đúng đắn bởi những học sinh này có kiến thức và chăm chỉ, đi thi điểm nhất định sẽ cao, do đó không cần thiết phải thi vì sẽ gây tốn nguồn lực xã hội. Ngoài ra, quy định này còn tạo động lực khuyến khích người trẻ học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế để hội nhập.

“Việc đầu tư cho IELTS nghe có vẻ tốn kém nhưng nếu đến lớp 12 có chứng chỉ thực chất lại rất tiết kiệm và hiệu quả. Dĩ nhiên, chỉ có tiếng Anh thôi là chưa đủ mà cần các môn chuyên môn khác như kỹ thuật và khoa học.

Không ưu tiên chứng chỉ IELTS trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sẽ khiến phong trào học tiếng Anh giảm sút, đất nước sẽ tụt hậu khi thế hệ trẻ kém tiếng Anh”, một độc giả khác bày tỏ.

“Hãy để IELTS về đúng vị trí của nó”

Trong khi đó, một độc giả lại cho rằng hiện nay cả xã hội đang lầm tưởng về ý nghĩa, chức năng của ngoại ngữ.

“Đồng ý khi hội nhập, ngoại ngữ là điều kiện cần, nhưng điều đó không có nghĩa nó sẽ quyết định và thay thế toàn bộ những mảng kiến thức khác. Bởi tiếng Anh không thể thay thế kỹ sư xây nhà, không thể chữa bệnh thay bác sĩ, cũng không thể buôn bán thay tiểu thương...”.

Một thực trạng đáng nói khác, nhiều người đổ xô học theo phong trào, chỉ để lấy bằng cấp, học xong để đó ít vận dụng vì công việc không đòi hỏi năng lực ngoại ngữ đến mức như chứng chỉ IELTS. Điều đó đã tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn, không cần thiết.

“Mong rằng xã hội đừng “cuồng” IELTS mất kiểm soát mà hãy hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu toàn diện vai trò thực sự của nó với định hướng nghề nghiệp và năng lực của con em mình, tránh việc “cái cần biết không biết, cái không cần biết lại biết quá nhiều”, độc giả này bày tỏ.

Nhiều độc giả đề xuất, để IELTS về đúng vị trí, chỉ nên áp dụng ưu tiên với những ngành nghề liên quan đến ngôn ngữ hoặc những ngành xác định sẽ sử dụng tiếng Anh trong công việc để tăng hội nhập của Việt Nam ra thế giới. Những lĩnh vực khác không nên cộng điểm.

“IELTS chỉ nên dùng đúng mục đích của chứng chỉ này là đánh giá năng lực tiếng Anh. Sử dụng sai mục đích, dùng tiếng Anh để xét vào đại học là méo mó, cho dù có xét thêm điểm học bạ.

Cả xã hội cuồng lên học IELTS dễ tạo ra căn bệnh chạy theo bệnh thành tích. Cho nên, cần đưa IELTS về đúng vai trò có nó là một bài kiểm tra ngắn hạn cho khối ngành dùng tiếng Anh”.

Nhiều độc giả cũng chia sẻ hiện nay nhiều trường đại học tuyển sinh bằng IELTS kết hợp với học bạ, nhưng học bạ “không mấy thực chất”, “điểm số vốn dĩ rất đẹp” nên vai trò IELTS tác động không nhỏ đến việc đỗ - trượt. Trong khi đó, IELTS lại không phải bài thi phản ánh đầy đủ tất cả.

“Hiện tượng coi trọng IELTS của các đại học đã làm nảy sinh cuộc chạy đua học IELTS. Điều đó đã khiến giảm nhẹ vai trò của việc học thực chất để lấy kiến thức”, một độc giả viết.

Độc giả Phạm Hồng Phúc kiến nghị Bộ GD-ĐT nên chỉ đạo để các trung tâm khảo thí có uy tín trong nước hoặc một số trường đại học tổ chức kỳ thi “quốc nội” nhằm đánh giá năng lực ngoại ngữ cho học sinh.

“Tạo ra một kỳ thi chất lượng, công bằng, phù hợp cho thí sinh ở các vùng miền là cần thiết, giúp tiết kiệm tối đa chi phí và giảm áp lực cho học sinh”, độc giả đề xuất.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các độc giả. Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Có thể gửi ý kiến ở phần bình luận hoặc đến địa chỉ email [email protected]. Xin cảm ơn.