Chia sẻ trên được ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam – NCS đưa ra khi trao đổi với VietNamNet.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, khi tiếp xúc với Internet nguy hiểm nhất là trẻ không khống chế được thời gian sử dụng và nội dung xấu độc.
Đầu tiên về thời gian, nếu để trẻ tự do sử dụng Internet rất dễ xảy ra tình trạng ngồi lì cả ngày bên máy tính, điện thoại. Không những ảnh hưởng, gây các rối loạn điều tiết ở mắt, mà còn có thể gây ra chứng nghiện Internet, giảm tập trung chú ý vào các việc khác.
Thứ hai là nội dung trên internet rất đa dạng, có những nội dung xấu độc trà trộn, trẻ dễ bị dẫn dụ đọc các nội dung đó mà không phòng vệ.
Các nội dung xấu độc có thể ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ, dẫn đến sự lệch lạc trong phát triển tư duy, đạo đức.
Tuy nhiên, vị Giám đốc công nghệ của NCS cho rằng, mặc dù trẻ có thể gặp nhiều nguy hiểm trên môi trường mạng, nhưng không vì thế mà cản trở việc trẻ tiếp xúc sớm với Internet.
Cụ thể, có thể cho trẻ tiếp xúc từ năm 2 tuổi trở lên, tức là khi bé đã có khả năng giao tiếp và có khả năng nhìn được màn hình. Vấn đề phụ thuộc vào việc các bố mẹ có đồng hành, giám sát cùng con hay không.
Một số nền tảng có quy định phải trên 13 hay 15 tuổi mới được sử dụng, tuy nhiên, thực tế kể cả trẻ đã trên 15 tuổi thì vẫn cần sự đồng hành của bố mẹ chứ không nên để tự do tiếp xúc internet
Đồng thời, theo ông Vũ Ngọc Sơn, cũng không nên cho trẻ tiếp xúc quá muộn, vì thực tế Internet có rất nhiều nội dung hay, trực quan, hấp dẫn, có thể cho trẻ tiếp xúc càng sớm càng tốt để quen với công nghệ. Quan trọng là cha mẹ giám sát và đồng hành cùng trẻ trong khuôn khổ.
“Ở đây bố mẹ nên đặt ra các lộ trình, ví dụ với con nhỏ thì thời gian sử dụng Internet ít hơn, xem những nội dung đơn giản, dễ hiểu. Với các bé lớn hơn, có thể cho học các khoá học online, có hình ảnh minh hoạ, có thực hành trực quan sinh động thì thời gian có thể dài hơn, nhưng tuyệt đối không để trẻ lạm dụng”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.