Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng cả nước có gần 100.000 người hưởng BHXH một lần. Nhận BHXH một lần, người lao động bị mất đi 4 quyền lợi lâu dài, đó là không được nhận lương hưu hằng tháng khi về già; mất tiền mua thẻ bảo hiểm y tế mà mức hưởng khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thấp hơn người có lương hưu được cấp thẻ miễn phí; khi qua đời, thân nhân không được trợ cấp mai táng, không được hưởng trợ cấp tuất.
Khi rời khỏi hệ thống BHXH, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ mất đi nhiều quyền lợi thiết thân như chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe...
Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, để tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Phương án một, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, người lao động không được rút BHXH một lần nữa.
Phương án hai, sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.
Hai phương án nêu trên áp dụng cho người lao động bình thường. Riêng những trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư… vẫn được rút BHXH một lần.
Góp ý kiến vào dự thảo luật dưới góc độ quyền của lao động nữ, bà Ngô Thị Liên, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chia sẻ, qua tìm hiểu đa số người lao động cho rằng, sẽ không ai muốn rút BHXH một lần nếu như việc để lại có lợi cho họ.
Đối với công nhân, do rút BHXH một lần nên người lao động không tiếp tục đi làm đóng BHXH nữa đồng nghĩa với việc đối mặt tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và thị trường lao động.
Việc rút BHXH một lần có nhiều hệ lụy, khiến lưới an sinh khó có thể mở rộng nhanh. Một số lao động nữ khi rút BHXH một lần có thể dễ nảy sinh tâm lý “ở nhà nội trợ chăm sóc gia đình” sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế, bản thân người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều căng thẳng, stress, gây tác động tiêu cực đến xã hội.
Do vậy, chính sách BHXH một lần cần xem xét và cân nhắc các tác động tới an sinh xã hội của người lao động, đặc biệt là lao động nữ; tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút BHXH một lần.
Không nên quy định cứng nhắc
Góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho rằng, các quy định về rút BHXH một lần cần được đánh giá thận trọng. Bởi lẽ, người lao động rút BHXH một lần vì quá khó khăn, nhu cầu tài chính ngắn hạn nên buộc phải rút.
Thêm vào đó, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy số lượng lao động nữ rút BHXH một lần luôn cao hơn lao động nam. Điều này có thể lý giải phụ nữ phải thực hiện thiên chức mang thai, sinh con; cùng với đó, phần lớn phụ nữ đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình, trẻ em, người già, người bệnh những công việc không trả công.
Ngoài ra, người lao động thuộc khu vực phi chính thức nói chung và lao động nữ nói riêng phần lớn có thu nhập thấp, bấp bênh, việc làm không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhu cầu rút BHXH một lần để trang trải các chi phí sinh hoạt, chăm sóc y tế cho gia đình, khi mang thai và sinh con luôn hiện hữu rõ rệt.
Chính vì thế, việc dự thảo đề xuất quy định không cho phép rút BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện kể từ khi dự luật mới có hiệu lực, dễ gây ra những phản ứng tiêu cực từ xã hội.
Do đó, công đoàn ngành đề xuất cần quy định thống nhất về phương án giải quyết BHXH một lần theo phương án 2. Bởi phương án này có tính mềm dẻo, linh hoạt hơn và hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ xã hội.