Bên trong một cửa hàng Điện máy Xanh ở Phú Quốc khi mới khai trương - Ảnh: H.Đ |
Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2018. Theo đó, công ty đạt doanh thu 86.516 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2017 (66.340 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế tăng 31%, từ 2.207 tỷ đồng lên 2.880 tỷ đồng. Đóng góp doanh số lớn cho MWG chủ yếu là hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, với 95% doanh thu; chuỗi Bách hoá Xanh mới chỉ góp 5%.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tổng số cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh năm 2018 chỉ nhiều hơn năm 2017 là 68 cửa hàng, từ 1.714 cửa hàng lên 1.782. Vậy doanh thu tăng thêm hơn 20 ngàn tỷ đồng đến từ đâu?
Số lượng cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh năm 2018 không chênh lệch nhiều so với 2017. |
Từ cách đây vài năm, trao đổi với ICTnews, bà Nguyễn Bạch Điệp - CEO chuỗi FPT Shop - đã xác định thị trường bán lẻ hàng công nghệ sắp bão hoà, các chuỗi sẽ hạn chế mở mới. Ông Nguyễn Đức Tài, Đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cũng xác định rằng khi các cửa hàng đã phủ rộng khắp tỉnh thành, Thế Giới Di Động sẽ thực hiện tối ưu hoá kinh doanh.
Do đó, năm 2018 Thế Giới Di Động tập trung chuyển đổi mô hình cửa hàng để phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Chẳng hạn, chuyển đổi các cửa hàng Thế Giới Di Động vốn chỉ bán điện thoại, máy tính xách tay và phụ kiện sang thành cửa hàng Điện máy Xanh để bán được nhiều mặt hàng hơn. Thêm vào đó, cuối năm 2018 chuỗi này thực hiện trưng bày nhiều hàng hoá hơn trong một cửa hàng so với cửa hàng thông thường, nhằm gia tăng lượng sản phẩm phục vụ khách mua.
Báo cáo của MWG cho thấy 39 cửa hàng Thế Giới Di Động bình thường được chuyển thành Điện máy Xanh, hoặc từ Điện máy Xanh nhỏ nâng cấp lên Điện máy Xanh lớn. Trung bình mỗi cửa hàng chuyển đổi tăng đến 50% doanh thu so với trước.
Thêm vào đó, 30 cửa hàng Điện máy Xanh được thử nghiệm tăng thêm sản phẩm trưng bày. Việc này thực hiện bằng cách thu hẹp lối đi, làm thêm kệ để trưng nhiều hàng hơn. Kết quả, các cửa hàng mới tăng doanh thu trung bình 30%.
Báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng của MWG cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Ở mảng điện thoại, Thế Giới Di Động tăng trưởng 16%. Con số tăng trưởng sẽ ấn tượng hơn với mảng điện máy: điện tử tăng 58%, điện lạnh: 64%, gia dụng: 80%.
Với việc tối ưu hoá mô hình kinh doanh, báo cáo cho biết mảng điện thoại và điện máy của công ty chiếm thị phần rất lớn so với các chuỗi bán lẻ hiện đại. Trong đó, mảng điện thoại chiếm 45%, mảng điện máy 35%. Công ty đặt mục tiêu đạt 50% thị phần di động và 45% thị phần điện máy trong năm 2020.
Tăng trưởng ấn tượng của các ngành hàng tại MWG. |
Ông Đoàn Văn Hiểu Em khi mới nhậm chức CEO Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cuối năm ngoái đã tiết lộ các ý định rất tham vọng và táo bạo để tiếp tục giữ hai chuỗi Điện máy Xanh, Thế Giới Di Động tăng trưởng. Trong đó có việc trưng bày thêm hàng hoá ở các cửa hàng điện máy, vốn đã thực hiện từ cuối năm ngoái. Ông cũng cho biết sẽ bán thêm các ngành hàng mới nhằm thêm lựa chọn cho khách hàng. Đầu năm nay, các loại máy vi tính để bàn, máy bộ, máy in… đang được mở bán tại Điện máy Xanh.
“Thế Giới Di Động đã đạt gần 50% thị phần trong nhóm chuỗi cửa hàng hiện đại. Thế tại sao không là 60-70%? Đó chính là cách chúng tôi tăng trưởng doanh thu các giai đoạn tiếp theo”, ông Hiểu Em nói.
Doanh thu online cao nhất thị trường bán lẻ trực tuyến
Báo cáo năm 2018 của Thế Giới Di Động cũng cho thấy doanh thu ấn tượng của mảng online. Năm 2018, doanh thu online của MWG đạt 12.350 tỷ đồng, tăng 116% so với năm trước, đóng góp 14% tổng cơ cấu doanh thu của Thế Giới Di Động. Đây là con số không dễ đạt được khi mảng kinh doanh online của các nhà bán lẻ thường không quá 10% so với doanh thu chung. Mảng này cũng góp phần vào doanh thu MWG dù không mở thêm nhiều cửa hàng.
Kinh doanh online ngày càng đóng góp doanh thu tốt cho MWG. |
Để so sánh, tổng giá trị thị trường bán lẻ online Việt Nam năm 2018 ước tính trên 7 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong khi đó, mảng online của Thế Giới Di Động đạt 14%. Mỗi ngày có khoảng 12 ngàn giao dịch online trên các trang của Thế Giới Di Động.
Với doanh thu hơn 12 ngàn tỷ đồng, MWG cho biết là công ty đóng góp doanh thu lớn nhất trong tổng giá trị toàn thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Báo cáo của MWG cho biết kết thúc năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất đạt 86.516 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 2.880 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 30% và 31% so với năm 2017. Như vậy, 5 năm liên tiếp kể từ khi niêm yết, công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh với mức thực hiện 100% mục tiêu doanh thu và 111% mục tiêu lợi nhuận ròng của cả năm.
Xét theo chuỗi cửa hàng, doanh thu từ Điện máy Xanh chiếm tỷ trọng cao nhất với 55% tổng giá trị bán lẻ của MWG, tiếp theo là Thế Giới Di Động với 40% và chuỗi Bách Hoá Xanh với 5%. Xét theo góc độ ngành hàng, nhóm sản phẩm điện thoại vẫn đang đóng góp gần 53% tổng doanh thu do nhóm sản phẩm này được bán ở cả hai chuỗi điện thoại và điện máy, tiếp theo là nhóm sản phẩm điện máy với 37%. Nhóm thực phẩm và hàng tiêu dùng đóng góp 5%, còn lại 5% thuộc về dịch vụ khác.