Chấn chỉnh việc lạm dụng công chứng

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 8835/VPCP-KSTT ngày 30/11/2024 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện thủ tục hành chính.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt các cơ quan, tổ chức trực thuộc nghiêm túc thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, bảo đảm khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính.

Theo đó, tổ chức, cá nhân được lựa chọn nộp bản sao giấy tờ, tài liệu và xuất trình bản chính để đối chiếu (khi nộp hoặc nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính); người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản chụp giấy tờ, tài liệu so với bản chính, không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực. Kiểm tra việc thực hiện để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp giấy tờ, tài liệu (bao gồm bản sao có chứng thực) không đúng quy định.

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc đẩy mạnh triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tăng cường việc tiếp nhận, sử dụng bản sao điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tổ chức, cá nhân biết, yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương xây dựng, nâng cấp, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo thẩm quyền được giao quản lý với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính; Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý có quy định thủ tục hành chính yêu cầu nộp, xuất trình giấy tờ, tài liệu có chứng thực để sửa đổi, bổ sung;

Hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: hạn chế tối đa việc nộp, xuất trình giấy tờ, tài liệu có chứng thực; cơ quan nhà nước có trách nhiệm khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, qua Ứng dụng định danh quốc gia, khai thác hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa, cấp bản điện tử thay thế cho việc yêu cầu nộp bản giấy khi thực hiện thủ tục hành chính.

Có thể thấy rõ đây là một trong những biện pháp mạnh của Chính phủ nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ công trực tuyến, tăng tốc chuyển đổi số trong xây dựng chính phủ điện tử và nền hành chính công hiện đại, minh bạch.

z6147771666261_cd29b0d04f35d0d700f77b68df4d4f1c.jpg
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 8835/VPCP-KSTT ngày 30/11/2024 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện thủ tục hành chính.

Giảm thiểu phiền hà cho người dân

Vui mừng trước thông tin mới này, chị Đỗ Thị Thảo (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: Hồi đầu năm học vừa qua, khi nhập học cho con vào lớp 10 một trường THPT trên địa bàn, do ngày nhập học rơi vào thứ 7 nên các phòng công chứng không làm việc. Trước đó, thông báo nhập học của nhà trường và những yêu cầu chuẩn bộ hồ sơ nhập học cũng khá gấp gáp giữa bối cảnh chị đi công tác, nên chị đã không có sự chuẩn bị "đúng ý" nhà trường.

"Do chưa kịp photo công chứng giấy khai sinh cho con (theo đúng yêu cầu), tôi đã phải cẩn thận mang bản gốc giấy khai sinh theo để bộ phận tiếp nhận hồ sơ đối chứng. Tuy nhiên, sau khi lướt hồ sơ giáo vụ nhà trường yêu cầu đi công chứng. Tôi đã phải đi tìm khắp nơi xem phòng công chứng nào mở không, nhưng đành bất lực quay về trình bày sự việc. Cuối cùng tôi đành phải ký giấy cam kết sẽ bổ sung giấy khai sinh có công chứng, để nhà trường bổ sung hồ sơ tránh việc nhập học muộn cho con", chị Thảo nhớ lại.

Thực tế, việc lạm dụng giấy tờ công chứng hoặc sự "máy móc" trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan đơn vị hiện nay là rất đáng báo động. Trong bối cảnh Đề án 06 đã được triển khai rất sâu rộng, thông tin nhân thân của tất cả các cư dân (đã làm CCCD gắn chip) đều có trên hệ thống dữ liệu của nhiều ngành thì việc bắt người dân đi chứng minh thân phận, xác nhận giấy tờ tùy thân như trường hợp con chị Thảo kể trên là việc rất phiền hà, nếu như không muốn thẳng là sự lạm quyền, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ hành chính.

Trong khi đó, theo đại diện Bộ Tư pháp, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành và 63 địa phương hiện nay cũng đều đã kết nối, sử dụng hệ thống định danh xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu dân cư. Mục đích là để khai thác thông tin của công dân, cho phép người dân cung cấp thông tin qua ứng dụng định danh quốc gia, không phải nộp, xuất trình giấy tờ hay cung cấp thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Kết nối kho quản lý dữ liệu trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ với kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia để cho phép tổ chức, cá nhân lưu trữ những hồ sơ đã nộp, tái sử dụng các giấy tờ, tài liệu đã được số hóa trong các thủ tục hành chính.

Theo đó, việc tái cấu trúc thủ tục hành chính, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành để thực hiện liên thông thủ tục hành chính; qua đó giúp người dân chỉ cần nộp hồ sơ 1 lần cho nhiều thủ tục hành chính của nhiều bộ, ngành là việc làm cấp thiết. "Tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính cơ bản sẽ được khắc phục trong thời gian tới khi yêu cầu chứng thực dần được bãi bỏ”, đại diện Bộ Tư pháp tự tin kết luận.