Liên quan đến việc tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học vì Covid-19, VietNamNet đã có trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).

Gia đình phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường

Phóng viên: Ông có thể cho biết để tiến hành triển khai việc dạy học qua Internet và trên truyền hình đúng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, giáo viên và các nhà trường cần chuẩn bị những gì?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Thực ra việc dạy học qua Internet và trên truyền hình trước đây nhiều địa phương, trường học cũng đã thực hiện rồi.

Khi dạy học theo 2 hình thức này, có những việc cần thực hiện đầy đủ.

Đối với việc dạy học qua Internet, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục phải sử dụng hệ thống công cụ để thầy cô có công cụ xây dựng bài giảng, học sinh được cung cấp tài khoản để truy cập vào bài học đó. Theo đó, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh, các em sẽ phải trả bài. Vì vậy, gia đình cần phải phối hợp với nhà trường để theo sát việc học này.

{keywords}
Một giờ học trực tuyến của cô và trò Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Còn với những nơi chưa có điều kiện dạy học qua Internet thì sẽ sử dụng kênh truyền hình để tổ chức dạy học. Các địa phương phải lựa chọn giáo viên để thiết kế bài học dạy trên truyền hình, lựa chọn khung giờ phát sóng phù hợp, để các học sinh ở nhà có điều kiện theo dõi.

Do dạy học trên truyền hình tương tác giữa thầy và trò không được như dạy qua Internet nên phải xây dựng được khung giờ và lịch phát sóng cụ thể đối với từng môn học, lớp học và thông báo rộng rãi cho giáo viên, học sinh biết được lịch này để họ sẵn sàng tham gia.

Cần lưu ý khi học trên truyền hình, học sinh phải ghi chép, làm bài tập, thực hành, sau đó gửi bài tập đầy đủ cho thầy cô qua email, tin nhắn…

Trao đổi qua mail, Facebook, Zalo không phải học trực tuyến

Trường hợp giáo viên và học sinh tương tác, trao đổi kiến thức với nhau qua kênh mail, Facebook, Zalo... thậm chí dạy học qua những kênh này thì sao, thưa ông?

- Chúng ta đang nói đến việc học qua internet một cách chính thức, còn tương tác mạng xã hội thì như các văn bản mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn trước đây, giáo viên và học sinh có thể kết nối qua nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên đó là việc kết nối, còn chúng ta hướng đến một cách học bài bản, đảm bảo có sự tương tác giữa thầy trò.

Các kênh như Facebook, mail, Zalo... không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu và không chính thức vì không kiểm soát được quá trình học tập.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng

Tổ chức dạy học qua Internet hoặc truyền hình để khi học sinh quay trở lại trường thì tổ chức ôn tập, kiểm tra và công nhận kết quả học tập qua hình thức này một cách bài bản.

Ví dụ, một bài học được giáo viên thiết kế và giao nhiệm vụ cho học sinh. Qua hệ thống, giáo viên và học sinh đều có tài khoản. Giáo viên có thể theo dõi quá trình thực hiện, báo cáo trả bài... của học sinh.

Ngay cả việc học qua truyền hình cũng phải có một hệ thống bài giảng, lịch phát sóng cụ thể đến các nhà trường. Sau đó trường giao nhiệm vụ cho giáo viên yêu cầu học sinh theo dõi bài học đó, ghi chép lại và sau đó báo cáo bài thu hoạch và làm bài tập... Việc dạy qua truyền hình thì khả năng tương tác hai chiều trong lúc dạy sẽ hạn chế, nên phải có sự theo sát học sinh của các nhà trường.  

{keywords}
Một buổi ghi hình bài giảng phát trên sóng truyền hình của Sở GD-ĐT Hà Nội.

Nhưng ở những trường vùng sâu, vùng xa khi mà cơ sở vật chất và nền tảng công nghệ còn khó khăn, việc thực hiện cách thức học mới này liệu có gặp trở ngại không, thưa ông?

- Khi điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, ví dụ đường truyền không tốt rõ ràng sẽ khó thực hiện dạy qua Internet. Vì thế Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn cụ thể là với nơi có đường truyền tốt, thiết bị đảm bảo thì học qua internet. Nhưng những vùng khó khăn hơn, không thực hiện được việc dạy học qua Internet thì phải thực hiện dạy học qua kênh truyền hình. Với độ phủ sóng của truyền hình hiện nay, kênh này chắc chắn sẽ đến được với học trò. Tuy nhiên, với vùng khó khăn, giáo viên cũng phải chủ động giám sát, nhắn tin để nhắc nhở, thông báo với các em lịch học.

Không kiểm tra, đánh giá

Nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn về việc kiểm tra, đánh giá học sinh khi học qua Internet hoặc truyền hình. Thậm chí có ý kiến thắc mắc có đảm bảo công bằng nếu như học sinh nhờ phụ huynh làm hộ. Ông có chia sẻ gì về điều này?

- Điều phụ huynh băn khoăn là hoàn toàn có lý và thực tế hệ thống của chúng ta cũng chưa đủ để kiểm soát chặt chẽ việc đó.

Do đó, xin nhấn mạnh là sẽ không có việc tổ chức kiểm tra, đánh giá trên trực tuyến.

Với 2 hình thức này, giáo viên phải giao nhiệm vụ cho học sinh và các em sẽ phải làm báo cáo, thu hoạch, bài tập,...

Nhưng khi học sinh quay trở lại, trường phải tổ chức ôn tập và kiểm tra, đánh giá để công nhận kết quả để đảm bảo học sinh nắm được kiến thức. Trong quá trình ôn tập đó, nếu thấy học sinh hổng chỗ nào, giáo viên phải tổ chức ôn tập hoặc yêu cầu học sinh ôn tập.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Hùng (thực hiện)

 

Phụ huynh và giáo viên “nâng cấp level” để dạy trực tuyến cho học sinh

Phụ huynh và giáo viên “nâng cấp level” để dạy trực tuyến cho học sinh

Tình cờ vào phòng xem con đang trong giờ học trực tuyến, chị Hồng Vân (một phụ huynh có con học lớp 9 ở Hà Nội) bất ngờ khi thấy con đang đứng tập thể dục, trước mặt là màn hình máy tính.