Trong bài viết này, tôi xin trích một vài số liệu nghiên cứu của GSTS Phạm Ngọc Đăng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội về chủ đề này.
Con người có thể nhịn ăn từ 7-10 ngày, nhịn uống từ 3-5 ngày, nhưng chỉ 3-5 phút mà không thở là chết. Nói thế để thấy không khí quan trong như thế nào đối với sự sống.
Ô nhiễm không khí gây ra bệnh tật, tức thời và lâu dài. Về ngắn hạn là các bệnh dị ứng da, mề đay, ngứa; nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc); Kích ứng mũi và họng; Ho, suyễn; Viêm phế quản, viêm mũi; Khó thở, viêm họng, viêm phổi; Đau đầu và nôn. Về lâu dài là các các bệnh đường hô hấp mãn tính; Ung thư phổi; Làm trầm trọng bệnh tim; Gây tổn thương não và thần kinh; Gây tổn thương cơ quan nội tạng (như gan và thận).
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2006, trên thế giới có 777.000 người chết non do phơi nhiễm ô nhiễm bụi không khí, trong đó châu Á có 531.000 người chết, chiếm 68%.
Theo kết quả nghiên cứu của Đề tài Chương trình khoa học quốc gia số 23 do Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện trong hai năm 2011-2012, tỷ lệ số người bị mắc các bệnh đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn thành phố Hồ Chí Minh từ 1,3-1,5 lần. Số liệu quốc tế cho thấy, năng suất lao động tăng khoảng 5% khi người ta làm việc trong môi trường không khí có chất lượng tốt, tiện nghi.
Cầu Bình Lợi (thành phố Hồ Chí Minh), ở khoảng cách 500m, tất cả chìm trong màn sương mờ ảo |
Chất lượng không khí được cải thiện
Trong giai đoạn 2011-2018, chất lượng không khí đô thị ở Việt Nam có cải thiện chút ít so với giai đoạn 2005-2010.
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay các đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ) , ô nhiễm bụi vẫn còn ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính. Tại các đô thị này, số ngày có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức kém, xấu (AQI=101-200), và rất xấu (AQI=201-300) chiếm tỷ lệ khá lớn.
Điển hình như tại Hà Nội, số ngày trong năm 2014 có AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm, thậm chí, có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu và nguy hại (AQI trên 300).
Các đô thị ở khu vực phía Bắc có tỷ lệ ngày bị ô nhiễm bụi mịn cao hơn hẳn so với các đô thị ở các khu vực phía Nam. Các đô thị vùng ven biển có chất lượng môi trường không khí tốt hơn so với các đô thị ở trong đất liền xa biển.
Ở khu vực miền Bắc, nồng độ bụi thay đổi qua các tháng trong năm, theo diễn biến mùa. Ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn, thường tập trung vào các tháng mùa Đông, từ tháng 11 đến tháng 3.
Đối với các đô thị phía Nam, nồng độ các loại bụi mịn có sự khác biệt đáng kể giữa mùa khô (tháng 12 đến tháng 4) và mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11). Nồng độ bụi đô thị thường cao trong mùa khô và thấp trong mùa mưa.
Diễn biến ô nhiễm bụi theo các năm cho thấy, các năm 2011-2013, ô nhiễm bụi khá nặng tại nhiều đô thị. Những năm gần đây, nồng độ bụi trong không khí có xu hướng giảm chút ít.
Ở khu vực đô thị, nguồn gốc phát sinh các loại khí độc chủ yếu từ hoạt động giao thông, phát thải từ đốt than và dầu chứa lưu huỳnh (xe buýt, sản xuất công nghiệp và đun nấu bằng than).
Tám nguồn gây ô nhiễm chủ yếu
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do Hà Nội gây ra, không phải do các nguồn phát thải từ các tỉnh đến. Các nguồn thải ô nhiễm không khí đều phát ra từ mỗi thành phố.
1.Các chất ô nhiễm thải ra từ các ống xả của các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt từ các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.
2.Phát thải từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị; từ sự rơi vãi, phát tán từ hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu rời, nhất là vận chuyển đất cát.
3.Phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh thành phố.
4.Từ vệ sinh đường phố còn kém, mặt đường và hè phố với chất lượng xấu, lại bị bẩn, tình trạng vất rác bừa bãi, mất vệ sinh ...
5.Phát thải từ các bếp đun than tổ ong.
6.Rò rỉ và bốc hơi khí xăng dầu từ các trạm bán xăng dầu, từ các xe cộ cơ giới, từ các nơi sản xuất chế biến sơn, véc ni và từ các nơi quét sơn, véc ni.
7.Mùi hôi thối bốc lên từ cống rãnh, ao hồ, sông ngòi bị ô nhiễm môi trường nước.
8.Nông dân ngoại thành đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa.
Các giải pháp đề xuất
Thứ nhất, kiểm soát ô nhiễm giao thông vận tải:
Về ngắn hạn, chúng ta cần kiểm soát nguồn thải từ các phương tiện giao thông vận tải. Định kỳ kiểm tra về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông vận tải (các loại xe ô tô, đặc biệt là các loại xe ô tô chạy dầu, và các loại xe máy). Cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Phun nước rửa đường, đặc biệt là vào các ngày trời nắng hanh khô.
Về lâu dài, cần hoàn thiện quy hoạch chung đô thị, đặc biệt là quy hoạch giao thông đô thị thông minh. Phát triển hệ thống giao thông đô thị công cộng. Khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, khuyến khích đi lại bằng xe đạp. Phát triển các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện.
Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, công trình giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng. Phát triển công nghệ xây dựng ít chất thải, như phát triển các xưởng sản xuất các cấu kiện xây dưng đưa đến công trường lắp ghép, phát triển các trạm sản xuất bê tông tươi chở đến công trường.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển vào ban đêm (các xe vận chuyển ban đêm thường hay vi phạm quy định về bảo vệ môi trường).
Thực hiện vệ sinh đường phố sạch sẽ, văn minh, hiện đại: Quét dọn đường phố, vỉa hè thường xuyên hút bụi hoặc rửa đường sạch sẽ.
Thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải đô thị. Tuyên truyền, giáo dục nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không vứt rác ra đường hay xuống cống rãnh, kênh mương thoát nước.
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ bay hơi (VOC), nhất là hơi xăng dầu đối với các trạm bán xăng dầu, các cơ sở sản xuất, chế biến và sử dụng sơn, véc ni, xăng dầu nằm trong thành phố.
Xử lý triệt để các sông, hồ, ao, cống rãnh bị ô nhiễm nước.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh thành phố.
Vận động nhân dân và áp dụng chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở Hà Nội.
Vận động nhân dân ngoại thành và áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cần thiết để nông dân ngoại thành chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa.
Tăng cường trồng mới, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong thành phố, bảo đảm chỉ tiêu diện tích cây xanh trên đầu người dân đạt quy định theo Quy chuẩn Việt Nam.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường không khí nói riêng và bảo vệ môi trường thành phố nói chung.
Tăng cường năng lực cơ quan quản lý môi trường không khí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác, thành lập phòng quản lý môi trường không khí ở Chi cục bảo vệ môi trường, bổ sung cán bộ chuyên môn được đào tạo đúng chuyên ngành môi trường không khí.
Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các thành phố. Ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây có 9-11 trạm quan trắc không khí tự động, nay đã bị hỏng 100%; ở Hà Nội trước đây có 6 trạm quan trắc không khí tự động, nay đã bị hỏng 5 trạm.
Lê Nghiêm ghi