Trạm sạc cần được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý

Tại Hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” được tổ chức mới đây ở Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra những nghiên cứu, phương hướng liên quan đến việc phát triển xe điện để từng bước thay thế ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch giai đoạn từ nay đến 2050 theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là các giải pháp liên quan đến chính sách, hạ tầng, thị trường,… của xe điện. Trong đó, nổi cộm là vấn đề phát triển hạ tầng trạm sạc cho ô tô điện. Từ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia đều chỉ ra rằng, nếu không hoàn thiện được hạ tầng trạm sạc thì đừng nói đến chuyện phát triển xe điện.

Phát triển trạm sạc là điều kiện tiên quyết để xe điện phủ rộng trong tương lai. (Ảnh: VinFast)

Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), hạ tầng trạm sạc là yếu tố tác động tới việc chuyển đổi sang xe điện hoá tại Việt Nam. Đó là kinh nghiệm của các nước đã phát triển xe điện. Ông Quyết cho rằng, trạm sạc cũng cần được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý cho khách hàng.

"Do đặc thù Việt Nam, hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, trong khi sạc tại nhà là một hình thức phổ biến cho xe điện. Tiêu thụ điện để sạc cho xe điện đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều", đại diện VAMA nêu ý kiến.

Ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, từ kinh nghiệm quốc tế, đối với quốc lộ, xe có thể dễ dàng tiếp cận 2 bên đường. Nhưng còn trên đường cao tốc thì không dễ, chỉ có thể tiếp cận ở trạm dừng nghỉ, vì vậy hệ thống trạm sạc tại các khu vực này cần được đặc biệt ưu tiên.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thông tin thêm, hiện Bộ GTVT đã được Chính phủ phê duyệt quyết định 1454 về mạng lưới đường bộ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 và tiếp tục thực hiện Luật quy hoạch.

"Để triển khai phê duyệt mạng lưới đường bộ theo Quyết định 1454, chúng tôi đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là 1 kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc. Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Toàn nói.

Đại diện cho địa phương tham góp ý kiến tham luận tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM Bùi Hoà An cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và chiến lược lâu dài của TP. HCM đề ra về phát triển phương tiện giao thông dùng điện là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng lộ trình chuyển đổi sử dụng xe điện.

Giải pháp này bao gồm việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch hệ thống hạ tầng trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố, quy hoạch đồng bộ mạng lưới hạ tầng điện và triển khai đa dạng các phương thức đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc (đặc biệt là hệ thống trạm sạc nhanh, công suất lớn), đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển xe điện theo từng giai đoạn.

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia tham dự buổi toạ đàm trong khuôn khổ Hội thảo về phát triển xe điện.

Khó khăn bủa vây quá trình dựng trạm sạc  

Tầm quan trọng của việc phát triển trạm sạc đã rõ, tuy nhiên các chuyên gia và nhà quản lý cũng chỉ ra rằng, hiện tại, phát triển hạ tầng này tại Việt Nam gặp không ít khó khăn.

Ngoài việc phải đầu tư "tiền tấn" để xây dựng cơ sở hạ tầng như bãi đỗ, hệ thống trụ sạc, kết nối nguồn điện đến quản lý, duy trì, bão dưỡng,... các doanh nghiệp cũng đang khá loay hoay về các vấn đề liên quan đến chính sách và quy chuẩn, tiêu chuẩn cho trạm sạc tại Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast Vũ Thắng cho biết: “Bộ Khoa học và công nghệ có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế”.

Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast Vũ Thắng. (Ảnh: Báo Giao thông)

Theo ông Thắng, VinFast còn gặp phải một số khó khăn khác như vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện, mức độ cung cấp điện không đồng đều,…

Trả lời câu hỏi “Vậy hiện nay, chúng ta có cần xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về trạm sạc hay không?”, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GTVT) cho hay, trách nhiệm ban hành quy định quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc thuộc về Bộ Công Thương.

“Theo luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia thì tuỳ theo công nghệ, bí quyết, quy định riêng của từng hãng, các doanh nghiệp sẽ tìm những tiêu chuẩn trên thế giới để áp dụng. Toàn bộ yêu cầu về điện, đấu nối, vận tải điện, an toàn điện, hoàn toàn đã có tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành an toàn”, ông Trần Quang Hà nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch điện lưới sao cho phù hợp với quy hoạch trạm sạc cũng là việc cần tính toán trước.

GS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện chúng ta chưa có quy hoạch lưới điện phục vụ phương tiện dùng điện và đây là một trong những lý do mà VinFast bị phản đối vì sợ cháy nổ.

"Tất nhiên, VinFast phải tính toán đáp ứng nhu cầu thì mới phát triển hệ thống trạm sạc nhưng hiệu quả sẽ giới hạn. Nếu có quy hoạch lưới điện riêng cho trạm sạc thì sẽ tốt hơn nhiều, hệ thống trạm sạc sẽ ổn định, an toàn hơn", Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!