- Gia đình tôi có 6 người con, 02 trai và 04 người con gái. Năm 1995 bố mẹ tôi mua một miếng đất với giá trị 5 cây vàng để xây nhà ở, chỉ giao dịch bằng giấy viết tay và chưa hợp thức về giấy tờ. Năm 1996 bố tôi qua đời do bệnh từ trước đó (không để lại di chúc). Năm 1998 mẹ tôi mới hoàn tất giấy tờ, đứng tên quyền sử dụng đất và bắt đầu xây dựng nhà ở.
Các chị tôi và tôi sau đó đều đã lập gia đình, chỉ còn em út cùng vợ sống chung với mẹ. Vì nghĩ cậu là con út và hơn nữa mọi người đều đã có gia đình ở riêng nên Mẹ tôi xây dựng và sắm sửa nhà cửa cũng nhằm mục đích để lại cho vợ chồng em tôi. Tuy nhiên quá trình sinh sống, em tôi không những không lo lắng gì cho mẹ mà còn hay xúc phạm bà
Một thời gian sau em tôi ly dị vợ và dọn đi ở nơi khác. Đến năm 2015 mẹ tôi quyết định bán ngôi nhà cùng với diện tích đất thừa gắn liền với ngôi nhà. Các chị em tôi đều đồng tình để bà bán nhằm trang trải cuộc sống đồng thời dành dụm số ít lo về già, bởi bản thân các con đều nghèo, không có điều kiện sống gần gũi chăm sóc mẹ.
Tuy nhiên, không hiểu sao, em út tôi nghe lời xúi giục của người ngoài, khi biết mẹ bán căn nhà đó đã làm đơn khiếu nại lên tòa án đòi mẹ phải đưa tiền bán nhà, bỏ mặc lời khuyên can của các chị. Kính mong luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này, mẹ tôi có quyền bán ngôi nhà đó không? Quyền lợi của em tôi (nếu có) đối với ngôi nhà là như thế nào?
Tôi xin cảm ơn luật sư.
Em tôi muốn kiện mẹ vì không được chia tiền bán nhà (Ảnh minh họa) |
Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ như sổ đỏ đứng tên hộ gia đình hay cá nhân. Nên có các trường hợp như sau:
- Trường hợp căn nhà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên mẹ bạn: Khi bố bạn mất, nếu như mẹ bạn muốn đứng tên trên GCNQSDĐ thì phải có sự đồng ý của các con. Do đó, nếu khi làm thủ tục khai nhận thừa kế các con có thể làm thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế để cho mẹ bạn hưởng toàn bộ phần di sản này. Theo quy định của pháp luật, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có quyền chuyển nhượng mà không cần có ý kiến của con cái.
- Trường hợp căn nhà này là tài sản chung của cả gia đình thể hiện bằng việc sổ đỏ đứng tên hộ gia đình.
Tại Điều 109 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định:
“1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”
Trong trường hợp này, việc chuyển nhượng sẽ phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình cụ thể là những người có tên trong sổ hộ khẩu.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc