- Còn ý kiến rằng không trực tiếp làm nghĩa vụ quân sự thì có thể đóng tiền, tôi không bao giờ đồng ý. Công dân phải trực tiếp tham gia bằng việc làm cụ thể, cống hiến thời gian, công sức cho lực lượng vũ trang.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), UB Quốc phòng - An ninh QH:
- Ông nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng ngoài việc tham gia nghĩa vụ quân sự để được huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, những thanh niên có những phẩm chất, sở trường khác nhau có thể được tạo điều kiện phục vụ quân đội bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với năng lực của họ, khoa học hay văn nghệ?
Khi thảo luận sửa Hiến pháp, các ĐB cũng tranh luận nhiều về nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ thay thế khác, trong đó có ý như báo nêu là phục vụ bằng nhiều hình thức, mức độ, thời gian khác nhau.
Một người có thể không cầm súng, nhưng có chuyên môn khoa học phù hợp với một yêu cầu nghiên cứu của quân đội, có thể tham gia một đề tài hay công trình trong thời gian tại ngũ, thông qua đó thực hiện nhiệm vụ vẻ vang bảo vệ Tổ quốc.
Các hình thức khác như tham gia lực lượng công an, cảnh sát biển, dân quân tự vệ , tôi cũng rất đồng ý.
Thậm chí có ý kiến đưa cả kiểm ngư vào, dù đây chưa hẳn là lực lượng vũ trang. Tôi thấy rất hay, như thế mới tăng được số lượng công dân trong độ tuổi có cơ hội thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, đồng thời tăng số người tham gia nghĩa vụ quân sự để đảm bảo công bằng xã hội.
|
ĐB Nguyễn Anh Sơn. Ảnh: Minh Thăng |
Còn ý kiến rằng không trực tiếp làm nghĩa vụ quân sự thì có thể đóng tiền, tôi không bao giờ đồng ý. Công dân phải trực tiếp tham gia bằng việc làm cụ thể, cống hiến thời gian, công sức cho lực lượng vũ trang. Đó mới là thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà nghĩa vụ thay thế cũng phải như thế.
- Nếu đưa ra thông điệp rằng thanh niên vào quân đội không chỉ đi cầm súng, huấn luyện nặng nhọc mà còn có thể sử dụng năng lực trí tuệ của mình, theo ông có khuyến khích được nhiều người có trình độ làm nghĩa vụ quân sự, mà hiện đang quá ít?
Thực ra nếu làm được điều ấy, để thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự theo năng lực, sở trường, trí tuệ của họ, thì rất tốt. Nhưng hiện nay đang khó, chưa làm được nên chỉ dừng ở chỗ vào bộ đội để huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
- Cái khó đó, ý ông có phải ở năng lực tổ chức của chính quân đội?
Muốn làm thế rõ ràng việc tổ chức khó hơn hơn nhiều. Chỉ tập trung vào các đơn vị để tổ chức huấn luyện thì dễ, chứ phải tính xem ai phù hợp ngành nghề, lĩnh vực nào và tổ chức cho họ làm cho có hiệu quả, là khó. Chi phí cũng sẽ cao hơn chỉ huấn luyện bộ đội đơn thuần. Quan trọng nhất là luật không định, quân đội muốn làm cũng không được.
ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên), UB Quốc phòng - An ninh QH:
- Thanh niên vẫn nghĩ vào quân đội là huấn luyện vất vả, nhưng trong quân đội có nhiều binh chủng và nghĩa vụ khác nhau mà có những thanh niên có sở trường, năng lực phù hợp có thể đóng góp. Theo ông pháp luật có nên mở để tạo điều kiện cho họ theo hướng đó?
Quân đội đang mở cửa, có những chuyên môn kỹ thuật quân đội cần mà không đào tạo thì vẫn tuyển bên ngoài, với điều kiện là có trình độ, phẩm chất chính trị... Nhưng nhu cầu hiện nay của quân đội chỉ cần một số lượng hạn chế, nói mở rộng thì quân đội chưa có nhu cầu.
Chung Hoàng