Theo đó, Điều 29 nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội nêu rõ, phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

{keywords}
Chủ nhà không đóng BHXH cho người giúp việc sẽ bị phạt tới 15 triệu đồng. Ảnh minh họa.


Đặc biệt, chủ nhà sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng nếu giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình; Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình khi vi phạm điểm a khoản 1 Điều này;  Buộc trả đủ tiền tàu xe đi đường cho người giúp việc gia đình; Buộc trả lại giấy tờ tùy thân cho người giúp việc gia đình; Buộc trả đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình khi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định, người sử dụng lao động phải ký hợp đồng bằng văn bản với công việc từ đủ 3 tháng trở lên. Nếu vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức: Từ 2-5 triệu đồng với vi phạm từ 1-10 lao động; Từ 20-25 triệu đồng với vi phạm từ 301 lao động trở lên (mức phạt tối đa hiện nay là 20 triệu đồng). Tuy vậy, người sử dụng lao động không phải thông báo trước khi hợp đồng hết hạn.

Cũng theo Nghị định 28/2020, người lao động được đảm bảo nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết theo đúng quy định. Khoản 2 Điều 27 nêu rõ, nếu người sử dụng lao động vi phạm về chế dộ nghỉ của người lao động sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Nghị định 28/2020 còn quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng nếu áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

Trước thực trạng nhiều lao động không biết doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho mình hay không, Nghị định 28/2020 đã bổ sung quy định, người sử dụng lao động hàng năm phải niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng.

Phạm Linh
Ảnh: Diệu Bình