Sự kiện “DxHub – Xu hướng ứng dụng AI và thực tế triển khai trong ngành ngân hàng” vừa được FPT Digital phối hợp với Ngân hàng Techcombank và Cộng đồng MìAI tổ chức tại Hà Nội chiều 7/8/2024, tập trung thảo luận về những xu hướng ứng dụng AI trong ngành ngân hàng trên toàn cầu từ góc nhìn của các chuyên gia công nghệ; thực tiễn triển khai AI phù hợp với bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam.
Theo các chuyên gia công nghệ, ngân hàng là một trong những ngành đang có mức độ trưởng thành về AI cao nhất, với 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới, và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày.
Đang có sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, Digital Bank sang AI Bank. Kinh phí của các ngân hàng cho GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%.
Ông Nguyễn Đức Lâm - chuyên gia công nghệ tại Techcombank cho biết, Techcombank đang tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI và GenAI nhằm tạo ra các sản phẩm mới, thông minh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Những thách thức lớn nhất trong ứng dụng AI tại Techcombank nói riêng và Việt Nam nói chung có lẽ là sự khan hiếm nhân lực AI chất lượng cao và nguy cơ rủi ro liên quan tới bảo mật dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân.
“Vẫn có nhiều ngân hàng chưa thực sự tập trung triển khai AI bởi chưa chắc chắn trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu cho khách hàng. Nhiều nguy cơ chưa kiểm soát được”, ông Lâm nói.
Một thách thức lớn nữa là việc tích hợp các hệ thống AI mới với cơ sở hạ tầng công nghệ hiện có. Trong thời kỳ bùng nổ dữ liệu như hiện tại, việc đào tạo các model AI đòi hỏi hạ tầng phần cứng như GPU phải mạnh.
Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi và AI FPT Digital khuyến nghị: "Để triển khai AI hiệu quả, các ngân hàng cần cân nhắc phương án hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với khả năng tài chính, mức độ sử dụng AI và năng lực quản lý, đồng thời đảm bảo tính tương thích giữa các hệ thống. Việc ứng dụng AI trong ngân hàng đòi hỏi một lộ trình rõ ràng và có tính linh hoạt cao với mục tiêu cụ thể, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên triển khai, dựa trên hiện trạng công nghệ, dữ liệu, và quy trình. Một kế hoạch triển khai thành công không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn phải đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực. Nhân viên ngân hàng cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng thành thạo và khai thác hiệu quả năng lực của AI".
Bà Trương Minh Trang - chuyên gia tư vấn FPT Digital gợi ý lộ trình ứng dụng AI: Đầu tiên, các ngân hàng cần hiểu rõ về AI và đánh giá mức độ sẵn sàng của tổ chức, bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ và nhân lực. Tiếp đến, hình thành ý tưởng, xác định lĩnh vực kinh doanh ưu tiên và đánh giá khả năng ứng dụng AI để xác định cơ hội, giải pháp tiềm năng. Sau đó đánh giá giá trị và mức độ thực hiện của các ý tưởng, thực thi kế hoạch, giám sát liên tục để đảm bảo mô hình AI được cập nhật, cải tiến thường xuyên.
Theo bà Trang, việc đi theo lộ trình sẽ giúp lựa chọn được các ứng dụng quan trọng có ảnh hưởng lớn nhất và tập trung triển khai mang lại hiệu quả nhanh trong bối cảnh trước vô số khả năng và cơ hội ứng dụng AI, ngân hàng gần như không thể thực hiện tất cả cùng một lúc với nguồn lực hạn chế.
“Ở Việt Nam, hiện tại mô hình AI Bank chưa rõ nét, nhưng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Không đặt AI lên hàng đầu, ngân hàng sẽ bị bỏ lại trong cuộc đua cạnh tranh”, bà Trang nhận định.